Tết ấm lòng bệnh nhân nội trú
Tết của bác sĩ trẻ giành sự sống cho bệnh nhân từ “thần chết Covid” Đạo diễn Mai Thanh Tùng cùng mọi người hướng về cội nguồn trong những “Tết quê hương” Tết "xê dịch" thêm yêu quê hương |
Bệnh viện là nhà
Đây là lần đầu tiên cả gia đình bé nhỏ của chị Hoàng Thị Thanh Hương (Nam Định) phải đón Tết trong bệnh viện K. Chị bộc bạch: “Năm nay vừa dịch bệnh lại là năm đầu tiên tôi đón Tết tại bệnh viên, buồn một chút nhưng không sao. Ở đây có không ít gia đình “thâm niên” mấy năm không về quê ăn Tết. Ở đây, mọi người coi nhau như người nhà nên chúng tôi không sợ tủi thân, chạnh lòng. Mấy đứa trẻ ở đây cũng chơi đùa với nhau, cười nói như vậy mỗi ngày
Những câu nói quan tâm, hành động chia sẻ của những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa phòng điều trị chẳng khác gì họ hàng ruột thịt. Họ truyền cho tôi niềm vui, không khí xuân, kèm với đó là niềm tin, tinh thần bền bỉ. Nhờ vậy, xuân tràn về khắp các dãy hành lang, giường bệnh", chị Hương chia sẻ.
Sự quan tâm của các y, bác sỹ giúp các bệnh nhân ấm lòng dịp Tết Nguyên đán |
Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều bệnh nhân ung thư cũng sẽ không được về nhà đón Tết vì việc điều trị vẫn còn dang dở. Điều ý nghĩa nhất đối với họ trong những ngày Tết là sự sẻ chia, tương tân tương ái của cả cộng đồng để cuộc sống thêm ý nghĩa. Bác Đặng Quốc Trọng, 65 tuổi, bệnh nhân đang phải xạ trị tại Trung tâm xúc động chia sẻ: “Tết này không được về nhà nhưng bệnh nhân chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm cúng gia đình. Lời hỏi han, quan tâm của đội ngũ y bác sĩ dành cho bệnh nhân là điều khiến chúng tôi được an ủi rất nhiều, cảm thấy bệnh tình như thuyên giảm”.
Mong sẽ thêm nhiều mùa xuân
Một cái Tết trong bệnh viện sẽ chẳng bao giờ là cái Tết vui, thế nhưng, các bệnh nhân vẫn cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều vì bên cạnh họ vẫn còn đội ngũ y bác sĩ ngày đêm cặm cụi, ân cần chăm sóc sức khỏe cho họ. Những chương trình Tết do bệnh viện và các đơn vị tình nguyện tổ chức giúp họ có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau bệnh tật. Đây cũng chính là truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Năm nay là năm thứ hai, anh Đinh Hoàng Nam (Tuyên Quang) và con trai ăn Tết tại bệnh viện K, nhớ lại Tết năm ngoái anh bày tỏ: “Năm ngoái bệnh viện tổ chức chương trình Tết yêu thương – Cơm sum vầy, vui mà lại ấm áp. Bữa cơm tất niên đầm ấm lắm. Mọi người ai cũng lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho năm mới”.
"Tôi còn nhớ hình ảnh con tôi chạy lon ton khắp nơi, miệng cười tươi, tay đeo băng gạc chìa ra nắm lấy tay các cô chú bác sĩ. Trong mắt con lúc đấy dường như chưa bao giờ tồn tại những đau đớn của bệnh tật, tất cả chỉ có Tết, anh Nam kể lại.
Cùng cảm xúc, chị Nguyễn Song Hà (Nghệ An) có con đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói: “Trong các chương trình Tết tại bệnh viện, hình ảnh những em bé như vậy nhiều lắm. Tôi đứng từ xa dõi theo, thu vào lòng trọn niềm vui con đang trải qua sau những tháng ngày hai mẹ con cùng nhau chống chọi với bệnh tật. Vui và cảm động lắm”.
Bên mâm cơm tất niên còn có những bệnh nhi nhỏ tuổi nhưng đã có thời gian khá dài gắn bó với bệnh viện vì các em phải xạ trị và thăm khám thường xuyên. “Hàng ngày, các cô chú, các bác rất quan tâm con. Tết ở trong viện con được lì xì, được nhận quà. Ngoài bữa cơm Tết con còn được ăn bánh, kẹo nữa. Con mong sớm khỏi bệnh để được đi học và về nhà chơi với ông bà”, trên gương mặt có phần xanh xao do phải xạ trị, tay vẫn không rời dây truyền nước, cậu bé 6 tuổi tại bệnh viện K hồn nhiên kể.
Với mong muốn đem lại không khí Tết đầm ấm cho những bệnh nhân, PGS. TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: “Ngày Tết, ai ai cũng mong muốn được trở về nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình. Những hành động nhỏ mà tập thể y bác sĩ bệnh viện làm không ngoài mong muốn người bệnh cảm nhận được tình thương, hơi ấm mà mỗi thầy thuốc, điều dưỡng, nhân viên y tế dành cho họ.
Chương trình Tết yêu thương – Cơm sum vầy do bệnh viện tổ chức hàng năm mang một ý nghĩa to lớn. Đó không chỉ là bữa cơm tất niên mà còn là tình cảm, là tấm lòng, là sự chung tay của cả cộng đồng dành cho các bệnh nhân ung thư, để mỗi người có thêm nghị lực và lòng quyết tâm chiến thắng bệnh tật, đón thêm nhiều mùa xuân trong đời".
Một mùa xuân nữa lại đang về trên mảnh đất hình chữ S thân thương, hơi ấm mùa xuân làm cho lòng người thêm ấm áp. Một trong những điều ấm áp hơn cả là tình cảm yêu thương giữa mọi người được sẻ chia từ những hoạt động có tính nhân văn sâu sắc lan tỏa trong xã hội. Trong mỗi bệnh viện, những sự sẻ chia này phần nào nhân thêm nghị lực giúp các bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Tết nghĩa tình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 |