Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch và AI
Năm 2024 tuyển sinh hơn 1.000 nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Nhiều cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Cơ hội khởi nghiệp từ chương trình phát triển vi mạch |
Dự án nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Công ty UAC là dự án đầu tư về công nghệ của Hoa Kỳ tiêu biểu tại KCN cao Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và mở tài khoản để giao dịch theo quy định.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) được hình thành trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận, tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (hiện đang trực thuộc Sở Nội vụ Đà Nẵng).
Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật.
Trường đại học CNTT và Truyền thông Việt – Hàn là đơn vị đầu tiên của Đà Nẵng tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch trong năm 2024 (Ảnh vku.udn.vn) |
UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các thủ tục chuyển giao để Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đi vào hoạt động trong tháng 1/2024.
Đồng thời, hướng dẫn Trung tâm Phát nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện thủ tục bàn giao các tài liệu, hồ sơ lưu trữ liên quan đến hoạt động có thu, công tác hành chính, tài chính, tài sản và các tài liệu liên quan hoạt động của trung tâm cho cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chủ trì tiếp nhận, tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI theo quy định; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế Vi mạch và AI, chỉ đạo thực hiện việc đăng ký mẫu dấu mới theo quy định hoạt động của Trung tâm.
Trước đó, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công hội thảo về nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn. Trong năm 2023, dđoàn công tác của lãnh đạo thành phố đã có chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ và tiếp xúc, làm việc với các công ty, tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ trên lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như: Qorvo, Marvell, Nvidia, Intel…
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ với Công ty Synopsys về hợp tác, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch ngành bán dẫn và mở rộng hợp tác ngành bán dẫn; ký kết với Công ty ITSJ-G về hợp tác xúc tiến, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào Đà Nẵng và hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn.
Đà Nẵng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Năm 2022, kinh tế số của thành phố Đà Nẵng gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác đóng góp 19,76% GRDP của thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là địa phương đứng thứ 3 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) về số lượng kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030 là kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP. Do đó, thành phố đang xây dựng Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. |