“Thành phố sáng tạo” là nền tảng để xây dựng các chiến lược phát triển
Đó là một trong các ý kiến đại biểu tại buổi tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” diễn ra sáng nay 2/10.
Cần sự hợp lực từ cấp địa phương
Buổi tọa đàm đã ghi nhận ý kiến của các vị đại sứ, đại diện cho các đại sứ quán, các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc như UN Habitat, UNIDO, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội.
Các tham luận, trao đổi, thảo luận của các đại biểu tập trung vào các nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm tái tạo đô thị, mạng lưới giáo dục kích thích sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học, hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm, lễ hội văn hóa và việc xây dựng, quảng bá thương thiệu thành phố, Thủ đô sáng tạo…
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, danh hiệu Thành phố vì Hòa bình năm 1999 được trao tặng cho Hà Nội nhờ bề dày lịch sử và truyền thống hòa nhập và vị tha. Hà Nội Thành phố sáng tạo là danh hiệu thế kỷ 21, với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia, trở thành một thành viên sáng tạo, tích cực và có trách nhiệm trong khu vực và thế giới.
Ông Michael Croft nhấn mạnh, danh hiệu Thành phố Sáng tạo sẽ thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố vì Hòa bình nhưng đóng vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô Sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này. Nói cách khác là hướng về phương pháp phát triển bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm.
Khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố Thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực; và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với tất cả những tiềm năng có được từ việc gia nhập mạng lưới này, thì sự hợp lực ở cấp địa phương mới là điều thứ yếu nhất với Hà Nội. Đó là lý do Kế hoạch hành động do thành phố đệ trình - phần chủ chốt của hồ sơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ, các trường đại học, khu vực tư nhân và bạn bè và đối tác quốc tế để hỗ trợ việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Hà Nội, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và kết nối chúng để có được cách tiếp cận tập trung và chặt chẽ. Đây chính là điều cốt lõi cho cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft phát biểu tại tọa đàm |
Gửi lời chúc mừng đến lãnh đạo và người dân Hà Nội về tầm nhìn hướng về tương lai, Ông Michael Croft nhấn mạnh: “Với danh hiệu Thành phố Sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo của chúng ta - những điều chúng ta được trải nghiệm mỗi ngày khi đi trên những con phố và tương tác với những người con của thành phố tươi đẹp này”.
Đầu tư nguồn nhân lực, vật lực
Nói về lý do chọn tiêu chí “Thiết kế” khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung cho rằng, tiêu chí “Thiết kế” thể hiện được tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững, bao trùm lên những tiêu chí còn lại và phát huy mọi nguồn lực của Hà Nội. Đây cũng là tiêu chí được một số thành phố lớn như Seoul, Singapore, Bandung (Indonesia)... lựa chọn khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Việc Hà Nội đã chính thức trở thành một trong những thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo điều kiện giúp Thủ đô Hà Nội có thể biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành một trong những cốt lõi của phát triển; tạo cơ hội để Hà Nội tăng cường hội nhập quốc tê, tham gia các hoạt động do các thành phố thành viên khác tổ chức; huy động được nguồn lực, tri thức, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố thành viên và của tổ chức UNESCO...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận buổi tọa đàm |
Sau khi Hà Nội được công nhận là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Bộ Ngoại giao, ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã và đang đồng hành với thành phố Hà Nội trong việc quảng bá và phát huy danh hiệu, xây dựng kế hoạch cụ thể và huy động sự tham gia của nhiều cơ quan và các chủ thể trong xã hội.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể.
“Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng”, ông Lê Hoài Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, còn nhiều việc cần làm để tiếp tục hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo, như: Cân bằng giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại; thiết kế một hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chính sách kinh tế, tạo cơ chế điều hành như thành lập cơ quan điều phối, chủ trì của thành phố để phát huy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân cho định hướng phát triển chung của Thủ đô…
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp tại tọa đàm và khẳng định sẽ tiếp thu một cách cầu thị, chắt lọc và biến các ý tưởng được đưa ra thành hiện thực, với sự chung tay góp sức không chỉ của chính quyền mà còn cả doanh nghiệp, khối tư nhân, người dân và các đối tác quốc tế.