Thơ hay như rượu ngon
Sóng sánh rượu sim
Nguyễn Hồng Vinh
Tháng 7 cùng về A Lưới
Hoàng hôn tím ngát đồi sim
Gợi nhớ câu thơ họ Chế (1)
Sim xưa, thiếu quả nuôi người!
Em lại đọc thơ Hữu Loan
Ơi những chữ, câu da diết:
“Ngày xưa nàng yêu sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim”
Tình ta ghềnh gập tháng năm
Thấm mãi câu thơ nhói buốt:
Chiều hoang tím có chiều hoang biết (2)
Ai đong dòng lệ đêm đêm?!
Sim đang trải rộng Gio Linh…
Tím tà áo dài du khách
Nâng chén rượu sim sóng sánh (3)
Tỏa thơm men rượu tóc em!
Bên những chum rượu ủ sim
Mật sim ngọt thơm dịu mát
Cuộc sống lên hương nhờ sim
Tình ta nồng nàn men rượu…
Liếc sang mắt em chớp chớp
Ân hận có lúc hiểu lầm
Rượu nay ủ men chín độ
Nhờ mẹ tích lá trầu không!...
Miền Trung tháng 7/2022
Thực ra cổ nhân ví thơ hay như rượu ngon đã từ rất lâu, trở thành chân lý; và chân lý thường luôn giản dị và luôn luôn chứa đựng sự sống mới. Chân lý nghệ thuật càng thế, vì cũng là thứ rượu kết tinh từ chân lý đời sống. Tình cảm là men tốt, nhưng “thi liệu” phải là thứ gạo tám hoa vàng mới chưng cất được thứ rượu làng Vân nổi tiếng xứ Bắc... Bài thơ Sóng sánh rượu sim của Nguyễn Hồng Vinh vừa nói về thứ rượu mới; qua cái cụ thể để nói về quy luật của tình yêu; đồng thời đó cũng là quy luật thẩm mỹ của sáng tạo thơ.
Giống như hơi rượu ngon, tỏa mùi vị ra cả không gian, tình người như men rượu, nồng nàn bắc cầu về quá khứ:
Tháng 7 cùng về A Lưới
Hoàng hôn tím ngát đồi sim
Gợi nhớ câu thơ họ Chế
Sim xưa, thiếu quả nuôi người!
Một không gian hữu hình cụ thể, sinh động, nên thơ, được tác giả phác họa sinh động: “Hoàng hôn tím ngát đồi sim”, nhưng ý thơ lại gợi về quá khứ. Một không gian tương phản, khác hẳn với hôm nay. Một không gian xơ xác, nghèo nàn hiện lên chỉ qua 6 chữ: “Sim xưa, thiếu quả nuôi người”.
Câu thơ của Chế Lan Viên “Những đồi sim không đủ quả nuôi người” nói về đất Quảng Trị thời xưa đã thật ám ảnh những ai từng trải qua những trận đói trong năm Ất Dậu 1945 sống lại trong ký ức. Đó lại là những vùng không gian nóng bỏng nhất của chiến tranh thời chống Mỹ, như với Gio Linh, A Lưới và nhiều nơi ở phía tây địa phương.
Người dân "hái" tiền từ sim dại (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế) |
Trong chiều liên tưởng ấy thì một không gian buồn khác hiện lên cũng thật tự nhiên:
Em lại đọc thơ Hữu Loan
Ơi những chữ, câu da diết:
“Ngày xưa nàng yêu sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim”
Từ thơ họ Chế, thơ Hữu Loan, ý thơ bắc cầu cảm xúc về với “tình ta” cũng thật hợp lý”:
Tình ta ghềnh gập tháng năm
Thấm mãi câu thơ nhói buốt:
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Ai đong dòng lệ đêm đêm?!
“Màu tím hoa sim” của Hữu Loan là màu của chia ly, không chỉ trở thành cổ điển, mà còn là tiêu biểu cho tình yêu sâu nặng trong chiến tranh. Trong không gian bom rơi đạn lạc, đói khát và chết chóc, thì nào ai có hạnh phúc trong tình yêu!? Thế nên câu “Ai đong dòng lệ đêm đêm?!” rất đắt. Nó là nỗi lòng chung, hoàn cảnh chung cho rất nhiều cặp đôi ra đi - ở lại, chiến trường - hậu phương. Không có chữ “đau”, nhưng tác giả diễn tả tài tình những nỗi đau giằng xé...
Nhưng đấy là hôm qua. Liên tưởng trở về với không gian ngút ngát màu sắc và hương vị hôm nay, tác giả chọn những chi tiết tiêu biểu:
Sim đang trải rộng Gio Linh…
Tím tà áo dài du khách
Nâng chén rượu sim sóng sánh
Tỏa thơm men rượu tóc em!
Con người cũng đẹp, tình tứ như sim: “Tím tà áo dài du khách”. Rượu sim cũng nồng nàn như rượu tình yêu của người. Cùng “sóng sánh”, cùng “tỏa hương”: “Nâng chén rượu sim sóng sánh/ Tỏa thơm men rượu tóc em!”. Không gian đẹp như thế, rượu sim nồng như vậy, tất nhiên tình người càng say và bay...:
Bên những chum rượu ủ sim
Mật sim ngọt thơm dịu mát
Cuộc sống lên hương nhờ sim
Tình ta nồng nàn men rượu…
Thơ là tâm trạng. Thơ là kỷ niệm. Thơ là những cung bậc dỗi hờn, những thử thách nghiệt ngã của tình yêu trải qua vấp ngã, xót đau, một khi gặp lầm lỗi kéo dài: “Liếc sang mắt em chớp chớp/ Ân hận có lúc hiểu lầm”. Thơ còn là văn hóa, là tập quán, kinh nghiệm: “Rượu nay ủ men chín độ/ Nhờ mẹ tích lá trầu không!...”. Thì ra qua sóng gió tình yêu, đôi bạn trẻ tự nhận ra “lực cản” từ chính mình, do vậy càng hiểu nhau và gắn với nhau như quy luật “hết mưa là nắng hửng lên thôi!”.
Tình yêu đã đến độ chín như rượu đã lên men đủ ngày, đủ tháng. Câu thơ “Nhờ mẹ tích lá trầu không” thật tinh tế, phản ánh một nét văn hóa đẹp của dân tộc ta trước khi tiến tới hôn nhân, cần qua bước “dạm hỏi” (hay “chạm ngõ”) mà khay trầu cau là lễ vật không thể thiếu, tượng trưng cho sự “tâm đầu ý hợp” của hai bạn trẻ được sự đồng thuận của hai gia đình và dòng họ; để rồi sau đó tiến tới se duyên kết tóc trăm năm!
Mượn cây sim, hoa sim, rượu sim để nói tình yêu nồng nàn đôi lứa - đó là thành công cả về tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ!
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
(1) Câu thơ Chế Lan Viên “Những đồi sim không đủ quả nuôi người”
(2) Câu thơ trong bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan
(3) Nhiều huyện ở miền Tây của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đang phát triển nghề chế biến sim thành rượu, được khách du lịch ưa thích