Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung sức, đồng lòng tạo nên bứt phá mới trong năng suất lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ |
Cùng tham dự sự kiện có các đồng chí: Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lao động tại Việt Nam (1/5/1946-1/5/2021) nhằm phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động. Sau gần 3 tháng phát động, Chương trình đã nhận được hơn 250 nghìn sáng kiến trên nhiều lĩnh vực.
Trong chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các khán giả đã lắng nghe chia sẻ từ các điển hình tiên tiến được tôn vinh lần này. Công nhân Dương Văn Hùng từ Công ty Samsung Thái Nguyên bày tỏ mong muốn “khẳng định trí tuệ Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới”. Dương Văn Hùng là người đã nhận ra và tìm được cách khắc phục các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Nhờ cải tiến này, thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần và tình trạng bẩn xước gần như được loại bỏ, giúp Samsung tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD/năm. Đáng chú ý, cải tiến này còn có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm và trở thành sáng kiến hạng nhất toàn cầu của Samsung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” |
Còn Thượng úy Lê Thị Hòa, cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an là người sáng tạo ra chiếc áo chống sốc nhiệt cho các cán bộ, y bác sĩ làm công tác phòng chống dịch. Vẫn chưa hết xúc động khi nhắc tới những hy sinh, gian khổ của đội ngũ tuyến đầu chống dịch giữa thời tiết nắng nóng, Thượng úy Lê Thị Hòa cho rằng, đây chỉ là một “sáng kiến nhỏ bé ai cũng có thể nghĩ ra” nhưng là “món quà nhỏ bé” tiếp sức cho đồng nghiệp trong lúc khó khăn nhất, thể hiện tình đoàn kết tiền tuyến - hậu phương một lòng chống dịch.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc”. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động.
“Lịch sử dân tộc ta đã chứng kiến lớp lớp các thế hệ cha anh không ngừng suy nghĩ, phát huy tinh thần sáng tạo để bảo vệ và xây dựng đất nước, từ bãi cọc Bạch Đằng ba lần đánh tan các đạo quân xâm lược cho tới cuộc hành quân thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần sáng tạo của quân và dân ta trong chiến đấu đã được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta khó có thể kể hết được những sáng kiến độc đáo, hiệu quả, từ chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cho tới việc cải tiến tên lửa SAM2 để bắn rơi pháo đài bay B52, đi đến thắng lợi vang dội được thế giới ngợi ca là Điện Biên Phủ trên không”, Thủ tướng phát biểu.
Những năm đất nước đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động như “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Học tập và làm theo lời Bác”…, đoàn viên, người lao động cả nước đã hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, có những sáng kiến, sáng tạo, kinh nghiệm nhằm cải tiến, hợp lý hóa quy trình, tổ chức công việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế sâu rộng...
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi Lễ |
Mỗi sáng kiến, ý tưởng… đều là tấm lòng, sự tâm huyết
Dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong 2 năm qua đã tác động sâu rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp; chia sẻ với doanh nghiệp, làm tốt công tác phòng chống dịch; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động và triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, người lao động trong cả nước.
“Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến đó, ý tưởng đó, kinh nghiệm đó đều là tấm lòng, sự tâm huyết với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước; là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở, lao động hăng say của đoàn viên, người lao động trên toàn quốc”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao Bằng lao động sáng tạo cho các điển hình tiên tiến |
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” có sức lan tỏa mạnh trong tổ chức Công đoàn và toàn xã hội, góp phần tạo ra động lực và sức mạnh để hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Chương trình đã tạo được phong trào thi đua lao động hăng say, sáng tạo rộng khắp, qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình, trong đó có những điển hình xuất sắc tiêu biểu được tôn vinh ngày hôm nay.
Thủ tướng đề nghị các cấp Công đoàn cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí để chương trình thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đoàn viên Công đoàn tích cực hưởng ứng, tham gia và có thêm nhiều sáng kiến chất lượng, thiết thực, khả thi, áp dụng được ngay vào lao động sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, doanh nghiệp và cho đất nước nói chung.
Ba tác giả có sáng kiến tại chương trình giao lưu |
Thủ tướng mong muốn Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” sẽ tiếp nối thành công, phát huy mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất, đóng góp nhiều hơn nữa cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân. Thủ tướng kêu gọi và bày tỏ tin tưởng rằng, sắp tới sẽ có nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch, trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để mang lại những hiệu quả cao hơn, nhiều hơn cho đất nước chúng ta.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động Công đoàn, nhất là hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến trong đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.