Tag

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ) về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Tin tức 15/05/2022 09:46
aa
TTTĐ - Chiều ngày 14/5, theo giờ địa phương, tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại CSIS Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tình cảm kép của đoàn đại biểu Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện này, Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 Bộ trưởng từng theo học tại Harvard.

Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. Nhấn mạnh những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới, Giáo sư cho biết các cử tọa rất muốn lắng nghe các quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hiệu trưởng Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard, ông Douglas Elmendorf cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam. Vị Hiệu trưởng cũng nhắc lại những kinh nghiệm rất thành công của Thủ tướng trong điều hành tỉnh Quảng Ninh trước khi trở thành lãnh đạo ở Trung ương.

Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam - Ảnh: VGP
Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy. (Ảnh: VGP)

Trong bài phát biểu quan trọng tại đây, sau khi điểm lại những kêt quả chính của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao Đại học Harvard với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, có tầm ảnh hưởng và danh tiếng vào loại bậc nhất Hoa Kỳ và thế giới. Trong khi đó, bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nhắc lại tư tưởng rất quan trọng trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

"Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Đặc biệt, trong bức thư ngày 16/2/1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ".

"Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Havard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nói.

Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân hai nước. Vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam. Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau tại Hội nghị COP 26 tại Anh.

Trong quan hệ hai nước, lĩnh vực thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2021, kim ngạch thương mại Hoa Kỳ-ASEAN đạt 362 tỷ USD thì kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 112 tỷ USD, chiếm gần 1/3.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung.

Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD) (trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động).

Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.

Thủ tướng tập trung làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, vì sao phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng?

Thứ hai, một số quan điểm, mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam.

Thứ ba, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước

Làm rõ vấn đề đầu tiên, Thủ tướng cho rằng, thời gian gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện như cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra gay gắt; rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế và đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng; phản ứng với mặt trái của toàn cầu hóa, các vấn đề về an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng, an ninh con người…

Bối cảnh đó đòi hỏi các nước phải chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập; trong đó, khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế.

Xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước, nhất là các nước đang phát triển là hướng tới xây dựng nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ vững mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với hội nhập quốc tế nhằm vươn lên thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", trở thành nước phát triển.

Thực tiễn cho thấy, để thành công, mỗi nước đều cần cách làm, lộ trình, bước đi phù hợp gắn với đặc điểm, điều kiện cụ thể; nhưng cần đặc biệt lưu ý một số yêu cầu mang tính phổ quát. Theo đó, độc lập, tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập, tự chủ về chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc tôn trọng sự khác biệt về điều kiện, đặc điểm chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội sẽ góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú của kinh tế toàn cầu và lợi thế quốc gia. Cùng với đó, phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng các quốc gia dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Phân tích thêm về sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã dành cả đời mình phấn đấu cho nền độc lập dân tộc của Việt Nam với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do" gắn liền với "mở cửa và hợp tác" quốc tế.

Thủ tướng nêu dẫn chứng, trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc (tháng 12/1946), Người đã nêu rõ: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

(1) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình;

(2) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế;

(3) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…".

Trong thư gửi Tổng thống Harry Truman (18/01/1946), Người cũng khẳng định: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới".

Thủ tướng khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, nhất là từ đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực nội tại, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài như: khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại dịch COVID-19 từ 2020 đến nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng xuất phát từ 3 lý do chủ yếu.

Một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng chính là để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam.

Hai là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia. Đây là tất yếu khách quan của việc mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ba là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Những giải pháp lớn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp.

Theo đó, Cương lĩnh năm 2011 xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Còn theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam: Đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nêu trên, mục tiêu chính của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là: Xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững; Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; Tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong trung và dài hạn; Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Về những tư tưởng chủ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN.

Xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Phát huy tối đa trí tuệ, tài năng và năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở các yếu tố nền tảng, trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hoá; Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức con người Việt Nam; Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực; Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội dưới hình thức hợp tác công tư, nhất là cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH;

Tập trung thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tạo đột phá về thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nhắc tới một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, trước hết là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ ba là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất.

Thứ tư là tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh.

Thứ năm là huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ sáu là phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại. Thủ tướng nhắc tới một số mục tiêu cụ thể hằng năm để phấn đấu đến năm 2025 như năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu hoặc cao hơn; Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; an toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc].

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Đại học Fulbright và Chương trình Lãnh đạo quản lý cấp cao (VELP) do Đại học Harvard và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp triển khai. Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn nhân rộng mô hình này với các trường đại học nổi tiếng khác của Hoa Kỳ và thế giới, với cách làm mới hơn, hiệu quả hơn.

Sau phần thuyết trình của Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác đã phát biểu, tham gia chương trình tọa đàm với các giáo sư Đại học Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam.

Đọc thêm

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền Tin tức

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền

TTTĐ - Các cơ quan báo chí TP cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là trước các vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm.
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân Tin tức

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân

TTTĐ - Hiện nay các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các văn bản thi hành Luật Thủ đô, đảm bảo hoàn thành trước ngày 1/1/2025. Do đó, rất cần sự vào cuộc ngay từ đầu của các cơ quan thông tấn báo chí để Nhân dân cùng tham gia góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên lão thành quận Hà Đông Tin tức

Trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên lão thành quận Hà Đông

TTTĐ - Sáng 1/11, Quận ủy Hà Đông tổ chức lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 7/11 cho các đảng viên trên địa bàn. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và trao Huy hiệu Đảng tặng đảng viên lão thành.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại quận Đống Đa Tin tức

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại quận Đống Đa

TTTĐ - Sáng 1/11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dự lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11 tại Đảng bộ quận Đống Đa.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì phải trình, báo cáo nhiều cấp Tin tức

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì phải trình, báo cáo nhiều cấp

TTTĐ - Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, hiện nay, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Tăng cường giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam Tin tức

Tăng cường giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam

TTTĐ - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Brazil, Đoàn đại biểu TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP làm Trưởng đoàn đã có buổi gặp gỡ bà Marcelle Torres Alves Okuno - người được Đại sứ quán đề xuất bổ nhiệm lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Brazil.
Tổng Bí thư: Không tinh gọn bộ máy không phát triển được Tiêu điểm

Tổng Bí thư: Không tinh gọn bộ máy không phát triển được

TTTĐ - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.
Cần có cơ chế tạo đột phá mới để Huế phát triển nhanh, bền vững Tin tức

Cần có cơ chế tạo đột phá mới để Huế phát triển nhanh, bền vững

TTTĐ - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững...
300 cán bộ, phóng viên tập huấn tuyên truyền công tác Đảng Tin tức

300 cán bộ, phóng viên tập huấn tuyên truyền công tác Đảng

TTTĐ - Sáng 31/10, Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ tổ chức khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và kế hoạch tuyên truyền công tác chuẩn bị Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội.
Thực hiện mọi biện pháp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công Tin tức

Thực hiện mọi biện pháp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

TTTĐ - Các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, vướng mắc; thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Xem thêm