Thúc đẩy sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 |
Sáng 24/11, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực, quyết tâm, ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”.
Đồng thời, ngành Văn hóa xác định quản lý Nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; Tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước; Xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; Tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể: Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; Các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa.
Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; Khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. Một hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, các cấp, ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, sâu sắc; Chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường...
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước.
Tại hội trường Diên Hồng, gần 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, văn nghệ sĩ, các tổ chức chính trị xã hội dự hội nghị |
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng kiến nghị, Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện 6 nội dung gồm:
Một là, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa.
Hai là, xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển VHTT&DL là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa.
Những giải pháp tiếp theo là định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa.
Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng; Văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất.
Bộ trưởng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân, ngành VHTT&DL tin tưởng và kỳ vọng sau hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo; Giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp; Khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.