Tiêm phủ vắc xin trong cộng đồng, ưu tiên lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế
Sáng 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; Lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 21/10 |
Bố trí nguồn lực vắc xin trong năm 2022
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chống dịch.
Tuy nhiên, theo đại biểu, mục tiêu tăng trưởng GDP năm đạt 6 - 6,5% phụ thuộc lớn vào tình hình dịch Covid-19, việc mở cửa nền kinh tế đến đâu, việc tiêm bao phủ vắc xin như thế nào và “sống chung” với dịch Covid-19 ra sao. Bởi thực tế cho thấy biến chủng Delta rất phức tạp, vì thế Chính phủ cần có chủ trương, bố trí nguồn lực vắc xin trong năm 2022.
Nêu thực tế thời gian qua, nhiều lao động rời các tỉnh phía Nam về quê, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nguồn lao động để phục hồi sản xuất.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Việc chống dịch chưa có tiền lệ nên nhiều địa phương vừa chống dịch vừa rút kinh nghiệm. Kể từ ngày 27/4, đợt dịch thứ tư bắt đầu bùng phát mạnh tại Hà Nội với các ca lây nhiễm mới. Với đặc thù về vai trò và vị trí địa lý, ngay từ ngày đầu Hà Nội chuẩn bị các phương án cao hơn, đặc biệt tại các khu cách ly, khu điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. TP đã rà soát lại toàn bộ các kịch bản phòng, chống dịch, kiên quyết không để F1 cách ly tại nhà và điều trị F0 tại nhà.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ |
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh vai trò của người dân trong công tác phòng, chống dịch; Trong đó, nhiều người cao tuổi vẫn tham gia trực chốt để bảo vệ an toàn các “vùng xanh” ở các địa phương; Cùng với đó là sự vào cuộc của Tổ Covid-19 cộng đồng và khẳng định, điều quan trọng là ý thức của mỗi người dân thì công tác phòng, chống dịch mới hiệu quả.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong quá trình chống dịch, Hà Nội vẫn tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Đặc biệt với các doanh nghiệp có lượng lao động lớn, hạn chế việc phải ngừng sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, theo đại biểu, để vừa phát triển sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch thì việc tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên là hết sức quan trọng.
Theo đại biểu, sắp tới khi các trường đại học mở cửa trở lại, sinh viên từ các tỉnh trở về Hà Nội cùng lực lượng lao động ngoại tỉnh về thì nguy cơ còn lớn hơn. Vì thế việc kiểm soát dịch vẫn được thành phố đặt trọng tâm ưu tiên. Trong đó, giải pháp tốt nhất là phải từ cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng, trong việc theo dõi di biến động dân cư và truy vết. Cùng với việc tuyên truyền thì cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch để tạo sức răn đe.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận |
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng Chính phủ cần có chiến lược vắc xin trong năm 2022, trong đó có vắc xin cho trẻ em để học sinh có thể trở lại trường.
Ngoài ra, theo đại biểu, để sống thích ứng với dịch thì phải nâng cao năng lực hệ thống y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là sự thống nhất trong thông điệp truyền thông từ Trung ương đến địa phương để tuyên truyền Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch thì nguồn lực rất quan trọng, trong đó cần có sự điều tiết của Bộ Y tế, Chính phủ và cần có dự trữ quốc gia để bổ sung kịp thời khi dịch bệnh bùng phát; Cùng với đó, cần tiếp tục có cơ chế chính sách để huy động được sức dân trong công tác phòng, chống dịch.
Thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhất trí với việc Chính phủ xây dựng các kịch bản phục hồi sau đại dịch, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6-6,5% chỉ đạt được khi chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh cùng với chiến lược tiêm phủ vắc xin trên toàn quốc.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận |
Cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần bổ sung thêm các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp - một trong những trụ đỡ của nền kinh tế nước ta. Bởi thực tế thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế. Vì thế, thời gian tới, chúng ta cần khôi phục chuỗi hàng hóa này để không bị đứt gãy, nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, chúng ta cũng cần từng bước khơi thông các thị trường xuất khẩu sau thời gian dài chịu tác động do dịch bệnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ quan ngại khi chưa bao giờ GDP lại giảm như quý III vừa qua với mức âm, cho thấy sức khỏe nền kinh tế đang bị tác động nghiêm trọng. Vì thế, nếu chúng ta không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch thì nguy cơ suy thoái nền kinh tế là rất có thể.
Chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Lan, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng nên trong thời gian tới Chính phủ cần có những đầu tư thỏa đáng hơn. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần lựa chọn những lĩnh vực xuất khẩu ưu tiên để đầu tư vì đây cũng là lĩnh vực điểm sáng trong nền kinh tế nước ta 9 tháng qua.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong năm 2022, giải pháp quan trọng vẫn là thúc đẩy tiêm bao phủ vắc xin trong cộng đồng, trong đó ưu tiên sản xuất vắc xin trong nước; Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng với đó, Chính phủ cần linh hoạt hơn nữa trong thực hiện chính sách tài khóa, đặt hàng các tập đoàn kinh tế lớn để huy động cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong thời gian qua trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại việc mở rộng cơ chế đặc thù cho một số địa phương thời gian tới vì đều này sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước.
“Thời gian qua cũng có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc xét nghiệm diện rộng gây lãng phí ngân sách, vì thế Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể để người dân hiểu”- đại biểu nêu.
Về các chính sách an sinh xã hội trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đại biểu cho rằng cần đánh giá tổng thể lại cách chính sách hỗ trợ cho người dân; Đồng thời, cần tính đến các phương án tiết kiệm chi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tránh bị động trong việc cân đối ngân sách, tăng dự phòng ngân sách Trung ương.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, việc lùi tiền lương là phù hợp để dành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên lỡ nhịp 2 năm liền thì Chính phủ cần có cân đối trong phân bổ nguồn lực.