Tin tức trong ngày 10/6: Hà Nội sẽ có cụm cảng hành khách thuỷ nội địa với công suất 36 triệu khách/năm
Xây cầu cảng thuộc Bến cảng hành khách Hòn Gai |
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có cụm cảng hành khách thuỷ nội địa
Ngày 9/6, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo đề xuất tại dự thảo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong 10 năm tới toàn quốc có 27 cụm cảng thủy hành khách lớn được quy hoạch phân bổ theo các khu vực Bắc - Trung - Nam, với tổng công suất khoảng 36 triệu khách/năm.
Vị trí quy hoạch các cụm cảng khách chính chủ yếu tại các trung tâm đô thị, tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng, thuận lợi vận tải khách thủy và khu vực có tiềm năng du lịch biển đảo, vịnh, đầm, sông nước.
Trong 10 năm tới toàn quốc sẽ có 27 cụm cảng thủy hành khách lớn được quy hoạch phân bổ theo các khu vực Bắc - Trung - Nam |
Theo đó, khu vực phía Bắc có 9 cụm cảng, với tổng công suất khoảng hơn 5,85 triệu khách/năm, gồm: Cụm cảng khách tại Hà Nội (Hà Nội, Sơn Tây, Bát Tràng…), tại Hải Phòng (Cát Hải, Cát Bà, Hòn Dấu…), tại Quảng Ninh (Tuần Châu, Bãi Cháy, Cẩm Phả, Cái Rồng…) và các cụm cảng tại tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định (chuyển đổi từ cảng Nam Định hiện hữu), Ninh Bình và các cảng khách trên hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hồ Thác Bà, Tuyên Quang.
Khu vực miền Trung có 5 cụm cảng, với tổng công suất khoảng 1,45 triệu khách/năm, gồm: cụm cảng Hàm Rồng, Bến Thuỷ, Tòa Khâm, sông Hàn, Quảng Nam (Cửa Đại - Cù Lao Chàm).
Nhiều nhất là tại miền Nam với 13 cụm cảng, với tổng công suất khoảng 29 triệu khách/năm, gồm: Cụm cảng khách TP.HCM, Cầu Đá, Đồng Tháp (Cao Lãnh, Hà Tiên), Rạch Giá, Cà Mau (Cà Mau, Năm Căn, Ông Đốc), Mỹ Tho, An Giang (Long Xuyên, Châu Đốc), Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long và cụm cảng khách Bến Tre.
Đề xuất quy hoạch cũng định hướng nguồn vốn đầu tư các cụm cảng theo từ nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư hợp tác đối tác công - tư. Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện toàn quốc có 12 cảng hành khách, phần lớn các cảng phục vụ khách du lịch.
Bộ NN&PTNT có văn bản gửi 4 bộ xin cơ chế đặc biệt tiêu thị nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi 4 Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính và Công an để xin cơ chế đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19.
Công văn nêu rõ, nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, đặc biệt các loại trái cây chủ lực với sản lượng lớn (thanh long, xoài, chuối, dứa, vải, nhãn, dưa hấu,... ) nhưng lại đang gặp khó trong thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương vì dịch Covid-19.
Trên cơ sở khảo sát tình hình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh và ý kiến đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét việc cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch Covid-19 theo hướng dẫn. Đồng thời, quan tâm triển khai cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
Bộ NN&PTNT xin cơ chế đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 |
Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác, trong đó có nông sản trong vùng cách ly y tế do Covid-19.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo hệ thống ngành dọc tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản đối với hàng hóa, lái xe và phương tiện vận tải giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao với các khu vực khác khi có giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.
Bộ Ngoại giao xem xét, nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đàm phán thống nhất với các quốc gia có chung đường biên giới về hình thức hộ chiếu vắc xin áp dụng cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới nhằm hỗ trợ, giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp....
Miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải
Trước những diễn biến xảy ra trên mạng xã hội kéo dài nhiều tình tiết chưa rõ ràng liên quan đến danh dự, uy tín của NSƯT Đức Hải và ảnh hưởng đến hình ảnh của trường, ngày 9/6, ông Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Trần Đức Hải. Quyết định có hiệu lực ngay trong ngày ký.
Trước đó, trên trang cá nhân Facebook, nghệ sĩ Đức Hải có bài viết và ý kiến bình luận với ngôn ngữ thô tục, công kích người khác công khai. Bài viết nhận được nhiều phản ứng bức xúc từ cộng đồng mạng vì ngoài việc Đức Hải là nghệ sĩ ưu tú, anh còn là một thạc sĩ và giảng viên của một trường văn hóa nghệ thuật, đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên.
Khi hình ảnh chụp lại ngôn từ trên trang cá nhân của NSƯT Đức Hải lan rộng, NSƯT Đức Hải từng có biện minh rằng "trang cá nhân bị hack" từ trước khi có bài viết trên và anh sẽ làm đơn trình báo công an. Đến ngày 8/6, NSƯT Đức Hải thông tin là trang cá nhân của anh không bị hack mà do "con trai nuôi nghịch phá".