TP Hồ Chí Minh: Khởi sắc trong quá trình phục hồi kinh tế
Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đối thoại với sinh viên TP Hồ Chí Minh TP Hồ Chí Minh: Vực dậy nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm 2023 Du lịch TP Hồ Chí Minh bứt phá với sản phẩm mới |
Du lịch phục hồi, phát triển
Năm 2023, ngành Du lịch được xem là một trong những lĩnh vực được chú trọng đầu tư để khôi phục mạnh mẽ. Bởi Du lịch là ngành kinh tế có liên quan đến nhiều ngành nghề khác; Khi ngành này khôi phục thì các ngành kinh tế, dịch vụ khác cũng khôi phục theo.
Du khách hào hứng khi đến TP Hồ Chí Minh |
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ngành Du lịch TP đã có hồi phục mạnh mẽ khi thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và trong nước, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 65.000 lượt. Khách tại các khu, điểm du lịch, các điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt khoảng 250.000 lượt. Doanh thu ngành Du lịch ước đạt khoảng 6.300 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa (áo vàng) cùng du khách tham quan tìm hiểu về lụa |
Để tăng doanh thu từ du lịch, theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2023, ngành Du lịch TP đã xác định tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính: Tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng; Tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP; Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch; Đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.
Du lịch TP Hồ Chí Minh khởi sắc, thu hút nhiều du khách quốc tế |
Với trọng tâm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, ngành Du lịch TP tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có; Tiếp tục phối hợp doanh nghiệp du lịch, các đơn vị tư vấn, các chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư, các quận huyện và TP Thủ Đức triển khai phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của TP theo chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 về du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, về du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, về phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, MICE, du lịch y tế, thể thao, chương trình “100 điều thú vị”…
Kinh tế khởi sắc
Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá, những tháng đầu năm nay, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán khởi sắc hơn. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 13%; Doanh thu du lịch tăng 116% so với cùng kỳ; Khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319 ngàn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ; Số doanh nhiệp thành lập mới tăng 13%. Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm của TP ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 20% dự toán năm và tăng 6 % so cùng kỳ…
Bên cạnh đó, TP thu hút đầu tư được khoảng 369 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ; Thu ngân sách tăng 5,95%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hồ Chí Minh, TP cũng đang phải đối diện với các thách thức tồn tại thời gian qua như: Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp do chủng Omicron; Xung đột Nga - Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thành phố...
Giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Sức mua hàng hóa của người dân chưa phục hồi khiến tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm nay ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%); Thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh…
Những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh vừa qua, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, kết quả những tháng đầu năm cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội đạt khá tốt so với dự báo và chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, cần cố gắng tiếp tục phát huy như kế hoạch.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, một điểm nổi bật là TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ lắng nghe, ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Sắp tới, TP sẽ tập trung giải quyết vấn đề trên thực tế, để mang lại niềm tin, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi |
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một điểm sáng khác là diễn biến tích cực trong đầu tư công, năm nay phân bổ vốn đầu tư công sớm hơn. Cuối tháng 3 này, HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ họp chuyên đề để phân bổ vốn cho 8 dự án lớn. TP cũng đã khởi công được các dự án đầu tư công lớn, đã có sự chuyển biến, cần tiếp tục.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề cập đến những khó khăn trong những tháng đầu năm như: Sản xuất công nghiệp vẫn còn giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 3 lần doanh nghiệp thành lập mới. Trong 81 nhiệm vụ cần hoàn thành của tháng 2, TP có tới 12 nhiệm vụ trễ hạn.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, các chuyên gia, Sở ngành đánh giá đà giảm từ quý IV/2022 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến hết quý II/2023. Tuy nhiên, hiện nay đã thấy có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Trong nước, Chính phủ và thành phố cũng tập trung tháo gỡ khó khăn…
Với tình hình thiếu thuốc, thiết bị y tế, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị sớm có thông báo chính thức đến Nhân dân thành phố tình trạng rõ ràng, không để người dân hoang mang. Với tình hình người lao động bị mất việc, giảm việc, đồng chí đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận đầy đủ, đánh giá chân thực để giải quyết đúng tầm mức vấn đề…
Trong khi đó, nhìn nhận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trải qua một năm với thử thách quá lớn, những kết quả của quý I cực kỳ quan trọng.
Giá trị tăng trưởng quý I/2023 chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. “Thành ủy trân trọng và đánh giá cao sự điều hành của chính quyền, đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, phát huy được sức mạnh tổng hợp…”, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham quan Đường sách TP Hồ Chí Minh |
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, với sự khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi, TP vẫn không nên quá lạc quan vì hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách phải đối mặt. Trước hết là tình hình xung đột các nước hết sức phức tạp; Dịch có nguy cơ bùng lại, có dấu hiệu cảnh báo đe dọa toàn cầu, áp lực tăng giá…
Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý trước tình hình này, TP vẫn tiếp tục bám chiến lược y tế để hỗ trợ ngành Y tế khôi phục trở lại; Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế; Cố gắng ban hành chính sách bảo đảm cho lực lượng y tế yên tâm bám vị trí, địa bàn, nhiệm vụ, thực hiện sứ mệnh được giao; Nâng cao chất lượng dạy học thực sự có chất lượng, tránh tiêu cực...
Đối với vấn đề kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, TP triển khai xúc tiến nhanh, đồng bộ Nghị quyết Chính phủ, kiểm soát giá cả, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bình ổn giá, duy trì xuất khẩu, nâng cao công tác dự báo và cập nhật thường xuyên.
Bên cạnh đó, TP cần quan tâm đẩy nhanh phục hồi du lịch, lấy du lịch nội địa làm nền tảng để thu hút du khách trong và ngoài nước; Đồng thời, xúc tiến và tiến hành ngay để sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đường Vành đai 2, 3, 4, sớm kết thúc dự án chống ngập đưa vào sử dụng, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật.
Một vấn đề quan trọng là TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà ven kênh rạch…; Tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số; Có kế hoạch làm việc với các tỉnh trong vùng để tạo liên kết phát triển vùng…