Trang sử hào hùng, bất khuất của quân và dân Đăk Glei
Khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc gắn với hội thi tuyên truyền Khai mạc Hội thi ẩm thực Quốc tế dược liệu núi rừng Ngọc Linh Âm vang bản hùng ca Điện Biên Phủ tại điểm cầu Kon Tum |
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Pék. Ảnh: Trần Nghĩa |
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể và đại diện thân nhân các gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; các đồng chí lão thành cách mạng, Cựu chiến binh.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, hòa trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hôm nay, huyện Đăk Glei long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Pék, giải phóng hoàn toàn huyện Đắk Glei (16/5/1974-16/5/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia, di tích lịch sử các địa điểm chiến thắng Đăk Pék (1974).
Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân huyện Đăk Glei trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao Bằng xếp xếp hạng di tích Quốc gia di tích lịch sử Chiến Thắng Đăk Pék cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Glei. Ảnh: Trần Nghĩa |
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Nhân dân trên địa bàn huyện Đăk Glei được nghe và ôn lại lịch sử hào hùng, bất khuất của quân và dân ta cách đây 50 năm tại cứ điểm Đăk Pék (huyện Đăk Glei).
Đăk Glei là huyện cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, nối liền các tuyến hành lang Bắc - Nam, Đông và Tây Trường Sơn.
Năm 1972, quân và dân ta đã tấn công tiêu diệt trại biệt kích Đăk Siêng và cụm cứ điểm Plei Kần (thuộc huyện Ngọc Hồi ngày nay); dọc theo biên giới Việt Nam – Lào, địch thường xuyên cử lực đóng quân tại cụm cứ điểm Đăk Pék tổ chức các đợt càn quét, đánh phá vào vùng căn cứ của ta đến năm 1974.
Nhiều đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang vô cùng xúc động khi tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Pék. Ảnh: Trần Nghĩa |
Lúc bấy giờ, cứ điểm Đăk Pek nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ tuyến đường Quốc lộ 14 - Đường Trường Sơn, chia cắt tuyến đường vận tải chiến lược Bắc – Nam của ta. Với vị trí địa chính trị quan trọng như trên, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để chốt giữ và xây dựng khu vực phòng thủ nằm gần biên giới Việt-Lào. Từ năm 1970 đến năm 1974, Đăk Pék trở thành cụm cứ điểm gồm có Chi khu quân sự, Quận lỵ và các cứ điểm bao quanh, do Tiểu đoàn 88 Biệt động quân biên phòng của địch trấn giữ.
Cụm cứ điểm Đăk Pék được Mỹ ngụy xây dựng kiên cố, liên hoàn với nhau bằng hỏa lực và giao thông hào vững chắc, với sự yểm trợ và chi viện tấn công bằng máy bay trực thăng và máy bay ném bom hạng nặng. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến rất ác liệt giữa các đơn vị Tiểu đoàn đặc công 404, Tiểu đoàn bộ binh D80 của Quân khu V và lực lượng vũ trang địa phương với lực lượng địch tại Đăk Pék vào các năm 1968, 1969, 1970 và 1972.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trần Nghĩa |
Năm 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có chủ trương cải thiện thế chiến trường với phương châm: “Tiến công và làm chủ, làm chủ để tiến công, xóa sạch các vùng xen kẻ da báo giữa ta và địch”; đánh chiếm những vị trí địa bàn quan trọng, đánh địch trong công sự vững chắc (cụm căn cứ) giải phóng một số chi khu quận lỵ làm chủ đất đai, trong đó có cụm cứ điểm Đăk Pék thuộc mặt trận B3.
Để giải phóng ấp chiến lược và chi khu quân sự, quận lỵ Đăk Pék, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thành lập Đoàn 260 do đồng chí Vương Tuấn Kiệt, Tư lệnh phó tham mưu trưởng Mặt trận Tây nguyên làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lã Ngọc Châu, Chính ủy sư đoàn 10 làm Chính ủy Đoàn 260.
Để chuẩn bị cho việc tấn công tiêu diệt cứ điểm Đăk Pék, giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei. Đảng bộ, quân và Nhân dân hai huyện H30, H40 đã chuẩn bị mọi mặt, huy động mọi nguồn lực, tham gia cùng bộ đội chủ lực với quyết tâm giành thắng lợi. 8 giờ sáng ngày 16 tháng 5 năm 1974, lệnh tấn công tiêu diệt Chi khu quân sự và quận lỵ Đăk Pék được phát ra từ sở chỉ huy mặt trận quân giải phóng.
Sau 4 giờ chiến đấu, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 cắm cờ quyết thắng lên Sở chỉ huy của địch. Ta làm chủ toàn bộ Chi khu quân sự và quận lỵ Đăk Pék, giải phóng hoàn toàn hai huyện H30, H40 (ngày nay là huyện Đăk Glei). Thắng lợi của trận tiến công cụm cứ điểm Đăk Pék đã góp phần mở rộng vùng giải phóng Tây Nguyên thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh từ Bắc Kon Tum đến Nam Đăk Lắk, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, củng cố lòng tin của Nhân dân, làm thất bại âm mưu kìm kẹp, giành dân, chiếm đất của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn.
Chiến thắng cụm cứ điểm Đăk Pék là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn” của quân và dân ta. Cuộc chiến của quân và dân ta, đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch tại chi khu quân sự và quận lỵ Đăk Pék, phá hủy, thu hồi nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, phá hủy 14 đại bác và cối hạng nặng, thu 110 súng các loại, thu nhiều quân trang, quân dụng khác, bắn cháy 2 kho xăng, bắn rơi và bắn cháy 3 máy bay địch, làm tê liệt hệ thống sân bay dã chiến Đăk Pék của địch. Cụm cứ điểm Đăk Pek bị tiêu diệt, chốt chặn cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn trên đường 14 bị xóa sổ, ta mở ra hành lang chiến lược Đông Trường Sơn, nối liên hoàn thế trận Quân khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tạo thế và lực, làm tiền đề cho giải phóng Tây nguyên và góp phần quan trọng vào chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng Miền Nam thống nhất nước nhà. Với chiến thắng vẻ vang của quân và dân Đăk Glei, ngày 16/5/1974 chính thức đi vào lịch sử của nhân dân các dân tộc trong huyện và trở thành ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei. |