Trắng trợn "tuồn" gần 4000m3 chất thải nguy hại ra ngoài môi trường
Bài liên quan
Chống rác thải nhựa: Cơ hội lớn cho star-up
Công ty CP gốm sứ Thanh Hà – CTH: “Bức tử” môi trường đã thành hệ thống
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo đời sống người dân quanh khu xử lý chất thải Nam Sơn
Đà Nẵng: Rác thải rắn sẽ được phân loại tại tất cả các xã, phường vào năm 2025
Theo tìm hiểu của PV, ngày 10/10/2019, Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 3554 gửi Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang yêu cầu thực hiện quản lý chất thải phát sinh theo quy định. Đồng thời cũng chỉ ra sự thật "kinh hoàng của đơn vị này về quản lý chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại
Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang về quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại |
Cụ thể, năm 2013, Công ty (trước đây là Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang) đã lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại đối với Trạm xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và được Sở TN&MT cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại mã số QLCTNH:24.000085.T ngày 11/11/2013 và ngày 01/7/2015, Công ty đã được Sở TN&MT Bắc Giang cấp lần 02 Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại với cơ sở phát sinh gồm:
Văn phòng Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó Công ty đăng ký bùn thải phát sinh từ Trạm xử lý nước thải tập trung (ngưỡng CTNH là chất thải thông thường).
Gần 4000m3 chất thải nguy hại đã được tuồn ra ngoài cho các đơn vị không có giấy phép, đủ khả năng để xử lý |
Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết, từ ngày 01/9/2015, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TNMT về quản lý chất thải nguy hại có hiệu lực thi hành, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TNMT, quy định: “bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý sinh học của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác là mã 120607.
Bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý nước thải khác của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác là mã 120608” có ngưỡng CTNH, là chất thải nguy hại trong mọi trường hợp theo quy định tại điểm 1.8.2 mục 1.8 phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
Chất thải nguy hại cần được chuyển giao và xử lý theo đúng quy định của pháp luật |
Tuy nhiên, Công ty đã không thực hiện phân định, phân loại để quản lý theo chất thải nguy hại và không báo cáo Sở TN&MT Bắc Giang, không thực hiện đăng ký chất thải nguy hại vào Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, không quản lý theo quy định.
Bùn thải công nghiệp là chất thải được sản sinh ra sau quá trình xử lý nước thải công nghiệp. Trong những thành phần của bùn thải công nghiệp thường là những kim loại nặng và các chất thải nguy hại nên việc xử lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải rất phức tạp.
Bùn thải công nghiệp nguy hại là loại bùn tuyệt đối phải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường vì bùn thải công nghiệp nguy hại có chứa nhiều kim loại nặng như: Se, Al, As, su, Mn, Zn, Ni, Cd, Pb, Hg… Việc xử lý bùn thải nguy hại không đúng cách sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lâu dài.
Công ty CP phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang chưa thực hiện phân định, phân loại chất thải nguy hại phát sinh theo đúng quy định pháp luật |
Đặc biệt, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho hay, Công ty này đã ký hợp đồng và thực hiện chuyển giao chất thải nguy hại (bùn thải mã 120607, mã 120608) cho các tổ chức không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Theo đó, năm 2017 chuyển giao 1.357,3m3 bùn thải cho Công ty CP đầu tư xây dựng và kỹ thuật môi trường Á Châu; Năm 2018 chuyển giao 1.493m3 bùn thải cho Công ty CP dịch vụ môi trường Sông Thương và năm 2019 chuyển giao 912,5m3 bùn thải cho Công ty TNHH Môi trường Việt Nam Xanh.
Ngày 19/6/2019, Công ty này nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Sổ đăng ký nguồn chủ chất thải nguy hại, trong đó không đăng ký bùn thải phát sinh từ Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Trám thuộc danh mục chất thải nguy hại theo quy định tại điểm 1.8.2, mục 1.8, phụ lục 1 thông tư số 36 nêu trên.
Từ thực tế trên cho thấy, Công ty CP phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang chưa thực hiện phân định, phân loại chất thải nguy hại phát sinh để quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; và không đúng khoản 2 Điều 6 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;
Cần làm rõ trách nhiệm của Ban QL các KCN tỉnh Bắc Giang và các cá nhân, đơn vị liên quan khi chuyển giao gần 4000m3 chất thải nguy hại trái phép |
Ngoài ra, Công ty đã chuyển giao bùn thải của hệ thống xử lý nước thải KCN Đình Trám cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại (giai đoạn từ năm 2017-2019 như nêu trên). Các công ty tiếp nhận bùn thải (là chất thải nguy hại) của Công ty CP phát triển hạ tầng KCN Bắc Giang phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, kể từ ngày 09/10/2019, Sở TN&MT đã thu hồi Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại mã số QLCTNH:24.000085.T cấp lần 3 ngày 19/6/2019 để Công ty thực hiện đăng ký cấp lại theo quy định”, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Câu hỏi đặt ra là gần 4000m3 bùn thải nguy hại này hiện này đang ở đâu(?). Hành vi vi phạm của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang cùng 3 doanh nghiệp tham gia “phù phép” số bùn thải nguy hại trên sẽ bị xử lý như nào trước pháp luật. Đương nhiên không thể bỏ qua trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang khi để hàng nghìn m3 chất thải nguy hại "tuồn" ra ngoài môi trường như vậy.
(Còn nữa...)