Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”
Mục tiêu của Tháng hành động này nhằm giải quyết căn bản việc sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản), trọng tâm giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong nông sản, thủy sản.
Nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống (rau, thịt, thủy sản). Giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
“Tháng hành động” là điểm nhấn trong năm 2017, tạo đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung và do sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP. Huy động hệ thống loa truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn tham gia tuyên truyền ATTP, đặc biệt là an toàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, rau, thịt.
Thành phố sẽ tổ chức 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP Thành phố kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Sở, Ngành. Kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến rượu, rau, thịt trên địa bàn được phân công. Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra nhận xét, đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 11/12/2014; Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai Tháng hành động năm 2017 và Công điện số 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2017 về việc “Khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý ATTP đối với sản phẩm rượu”, Chỉ thị số 10/CT-TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về ATTP từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã.
Tổ chức ký cam kết trách nhiệm không kinh doanh rượu không nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định. Yêu cầu công khai nguồn gốc rượu và GCN/cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở. Phát huy vai trò của các ban ngành đoàn thể, tổ dân phố giám sát vận động cơ sở ký cam kết, khai báo giao nộp rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Tuyên truyền từng hộ gia đình không sử dụng rượu không rõ nguồn, không nhãn mác.
Kết thúc Tháng hành động năm 2017, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP các quận huyện thị xã và các Ban, ngành, đoàn thể liên quan, báo cáo kết quả hoạt động (theo mẫu 1,2 đính kèm) về Ban chỉ đạo công tác ATTP Thành phố (Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội); Điện thoại: Fax: (04) 37759839 Email: ccvsattp_soyt@hanoi.gov.vn trước ngày 20/5/2017 để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế.