Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ qua những trang sử hào hùng
Đưa giấc mơ sản xuất hoạt hình đến gần hơn với thế hệ trẻ Việt Nam Nơi khơi dậy tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ |
Niềm tự hào của người Hà Nội
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân tiên phong - Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn tiến vào Hà Nội để giải phóng Thủ đô sau nhiều năm trường kỳ kháng chiến. Cũng từ đây, nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới, xây dựng đất nước với nhiều chính sách đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội.
Dù sinh ra khi đất nước hoà bình và đã có nhiều bước phát triển lớn về kinh tế nhưng qua những trang lịch sử, thước phim tài liệu, nhiều bạn trẻ vẫn luôn thấy tự hào về những ngày tháng anh hùng của dân tộc. Bạn Hoàng Nhật Minh, sinh năm 2003, hiện đang sinh sống tại quận Tây Hồ lớn lên với những ký ức hào hùng như thế.
Nhật Minh luôn nhắc nhở bản thân cố gắng và nỗ lực hơn nữa trong tương lai, góp phần xây dựng đất nước |
Minh chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã được bà kể về thời kháng chiến gian khổ, về những người anh hùng đã hy sinh để giải phóng Thủ đô. Những câu chuyện ấy luôn khắc sâu trong tâm trí, thôi thúc em cố gắng học tập để xứng đáng với những chữ Độc lập, tự do mà cha ông ta đã để lại”.
Theo Minh, đã là một đất nước, một dân tộc thì người dân khắp mọi miền Tổ quốc cần đồng lòng, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn như dịch bệnh COVID-19 hay bây giờ là bão Yagi. Ngày 10/10 không chỉ là lịch sử, mà còn là một lời nhắc nhở to lớn dành cho thế hệ trẻ ngày hôm nay: Phải gìn giữ và đoàn kết xây dựng Thủ đô. “Nhìn lại quá khứ, em cảm thấy rõ rằng, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh không chỉ để giành lại tự do cho dân tộc mà còn để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.
Trong tương lai, em sẽ cố gắng học tập, phát huy sức trẻ, nỗ lực nhiều hơn nữa trong các hoạt động tình nguyện, phong trào Đoàn để giúp đỡ cộng đồng, hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn”, Hoàng Nhật Minh nói.
Giải phóng Thủ đô: Câu chuyện tiếp nối cho bạn trẻ
Thời gian trôi qua nhưng ký ức hào hùng về ngày giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Chiến thắng năm nào vẫn còn ngân vang trong lòng mỗi người dân. Những đoàn quân tiến về năm cửa ô dưới bóng cờ đỏ, sao vàng, mang theo niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Anh Tiến Dũng trân quý những thành tựu được thừa hưởng hiện tại và sẽ phấn đấu góp sức xây dựng Thủ đô giàu mạnh hơn |
Anh Phạm Tiến Dũng, đang sinh sống tại quận Hoàng Mai, hiện đang là phóng viên. Anh cho biết: “Đối với tôi, ngày Giải phóng Thủ đô là một dịp quan trọng, kỷ niệm sự kiện lịch sử hào hùng của Hà Nội, biểu thị cho sự đoàn kết và tinh thần chống ngoại xâm của người dân Thủ đô”.
Từng chứng kiến Thủ đô gồng mình chống dịch, là một người trẻ tuổi, thời điểm đó, anh Dũng luôn sẵn sàng xung kích ở những điểm chốt để điều phối đi lại hay giúp đỡ công tác hậu cần, tiêm phòng tại địa phương.
Giờ đây, khi Thủ đô Hà Nội căng mình giải quyết hậu quả do cơn bão Yagi gây ra, một lần nữa, anh lại góp sức nhỏ bé của mình để chung tay hỗ trợ bà con vùng ngập lụt.
"Nhìn thấy những ngôi nhà ngập sâu trong nước, những gương mặt buồn bã, tôi càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của sự sẻ chia. Mỗi phần quà trao đi là một lời động viên, giúp họ vượt qua khó khăn. Nụ cười và lời cảm ơn của người dân đã trở thành động lực lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho tôi và những người tham gia hỗ trợ", anh Dũng chia sẻ.
Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, trong khi miền Bắc đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề của bão lũ, anh Dũng càng cảm thấy rõ ràng hơn trách nhiệm của công dân. Anh cho biết: "Trong tương lai, tôi sẽ phấn đấu làm việc chăm chỉ, đóng góp vào các hoạt động cộng đồng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, bền vững".
Thể hiện lòng yêu nước qua từng việc làm cụ thể
Bạn Lê Thị Thu Hằng, Bí thư chi đoàn thôn Bầu, xã Kim Chung chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh về một thời oanh liệt của Thủ đô văn hiến vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau. Bản thân tôi luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh nên mong muốn có thể góp sức mình cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bạn Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Chi đoàn thôn Bầu (trong cùng) tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn |
Trưởng thành cùng màu áo Đoàn đã giúp tôi không ngần ngại xung phong làm nhiệm vụ trong phòng chống dịch COVID-19 và bây giờ là khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Tuổi trẻ Thủ đô nói riêng và thế hệ trẻ cả nước nói chung đã và đang phát huy tích cực lòng yêu nước, tự hào dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Học tập, lao động, cống hiến hết mình cho đất nước chính là cách tốt nhất để tôi hay bất cứ một người mà trẻ nào thể hiện tình yêu và sự biết ơn của chúng ta với Tổ quốc. Chính bởi vậy, tôi hy vọng, mọi người hoàn toàn có thể tin tưởng rằng “Đất nước cần, thanh niên có. Đất nước khó, có thanh niên”.
Thành phố Hà Nội luôn được xem là trái tim của Việt Nam, nơi gắn kết tình yêu thương và lòng tự hào dân tộc. Ngày 10/10 là một ngày để chúng ta nhớ lại quá khứ và tự hào về thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời, ngày này cũng là một nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ trẻ để tiếp tục bước tiến, góp phần xây dựng một Hà Nội ngày càng giàu mạnh.
6h ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Tiếng hô vang của quân ta vang vọng khắp phố phường, báo hiệu một thời đại mới đã đến. Đúng 15 giờ cùng ngày, lễ chào cờ trọng thể được tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Hàng chục vạn người dân đã tập trung về đây, cùng nhau lắng nghe lời kêu gọi của Bác Hồ gửi đến đồng bào Thủ đô. |