Truyền thống hiếu học đất Thăng Long
“Nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mường” đoạt giải Nhất “Tinh hoa Việt Nam” |
Là kinh đô nhiều đời, Thăng Long không chỉ là trung tâm về chính trị mà còn trung tâm về học hành, thi cử. Chính bởi vậy, người Hà Nội trong rất nhiều những nét thanh lịch, văn minh thì truyền thống trọng thầy, trọng chữ nghĩa cũng là một điểm sáng rất đáng tự hào.
Nhiều người Hà Nội hiện nay biết rõ những con phố của Thủ đô còn lưu dấu lại về sự học hành của người Thăng Long xưa. Đó là phố Tràng Thi “ngày xưa là nơi thi Hương, nên phố được gọi là Tràng Thi. Ở đây là nơi sĩ tử của các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra đến thi Hương. Lúc đầu là một bãi đất, xung quanh rào tre nữa. Tới năm Thiệu Trị thứ 5 thì tường đã xây bằng gạch và trong có 21 toà đường viện (theo Đại Nam nhất thống trí).
Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Thăng Long xưa |
Các tòa đường viện này là nơi của các Khảo quan, còn sĩ tử thì vẫn ở bãi trống chia làm 4 vi (4 khu vực), mỗi vi dành cho một số tỉnh. Cứ 3 năm tổ chức một lần, thời gian trống giữa các kỳ thi đất để cho dân cày cấy, trồng hoa màu. Khoa Thi Hương cuối cùng ở đây là năm 1879. Từ 1886 trở đi Tràng Thi Hà Nội bị bãi bỏ và đem tập trung về Nam Định” (trích Từ điển đường phố Hà Nội).
Cũng vì sự học hành, thi cử này mà Thăng Long xưa cũng có phố Hàng Bút, Hàng Giấy là những vật phẩm không thể thiếu cho nghiệp “bút nghiên” để cho các sĩ tử hay người theo học chữ thánh hiền có thể mua sắm phục vụ cho việc học hành của mình.
Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng việc tuyển người tài bằng chữ nghĩa, nhà Trần xưa kia cũng lập ra Giảng Võ đường (phố Giảng Võ) ngày nay để làm nơi thao luyện quân sự. Ở đây, theo PGS.TS. Lê Trung Hoa: “Nguyên trước đây, ở khu vực này có một ngôi điện mang tên Giảng Võ được xây dựng năm 1010. Đây là nơi vua Lý Thái Tổ và các quan võ đến họp bàn việc nước.
Đến năm 1170, tại khu này có lập một trường dạy võ và bắn cung (gọi là xạ đình). Việc học võ nói riêng và quân sự nói chung được duy trì dưới triều Lý (1010 - 1225) và triều Trần (1226 - 1400).
Tháng 8 âm lịch năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở Giảng Võ đường để luyện tập võ nghệ chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược nước ta của quân Nguyên Mông. Tháng 10 âm lịch năm 1481, vua Lê Thánh Tông cho đào hồ Hải Trì, xây lại điện Giảng Võ để tập luyện binh tượng.
Vậy địa danh Giảng Võ bắt nguồn từ tên các điện và trường luyện tập võ nghệ để bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta ở các triều đại cũ”. Như vậy, cũng có nghĩa là, tại nơi đây không chỉ để nơi rèn luyện võ nghệ bảo vệ tổ quốc mà còn là nơi dạy và học những bài học binh pháp, tôi rèn bản lĩnh chiến trường.
Đặc biệt, không thể không kể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam. Ngoài chức năng “Văn Miếu” là thờ cúng các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho, Văn Miếu còn mang chức năng của một trường học hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông), con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi.
Sau đó, năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con của vua và con các bậc đại quyền quý (hay gọi tên là quốc tử). Năm 1253, tức Nguyên Phong thứ ba thời vua Trần Thái Tông, đổi Quốc Tử giám thành Quốc học viện cho mở rộng và thu nhận cả con cái của các nhà thường dân có sức học xuất sắc.
Như vậy, đạo học nói riêng hay tri thức nói chung đã được coi trọng, bồi đắp suốt nhiều đời qua tại Thăng Long - Hà Nội. Bao giờ cũng vậy, kinh đô là nơi tập trung cho việc thi cử, tuyển chọn người tài thì lại càng tập trung nhiều thầy giỏi và nhiều người hiếu học tìm đến.
Vượt qua nhiều khó khăn, học sinh vẫn chăm chỉ rèn đức luyện tài (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, cho đến ngày nay nhiều ngôi làng khoa bảng như làng Đông Ngạc, Đôn Thư, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết, Nguyệt Áng, Phú Thị, Thượng Yên Quyết… Ai cũng biết, trong đạo học thì “tôn sư” chính là một điều tiên quyết. Bởi không tôn trọng người dạy dỗ mình thành tài thì “có tài mà không có đức cũng là người vô dụng”. Không chỉ truyền bá kiến thức, người thầy còn là người chỉ dạy cho ta đạo đức, nghĩa lý để làm người.
Hiếu học bao giờ cũng đi đôi với tôn sư trọng đạo, bởi “Không thầy đố mày làm nên”. Người Hà Nội vẫn rưng rưng với những câu chuyện về sự thượng tôn giáo dục, đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù làm vua chúa hay quan chức cũng vẫn phải kính trọng thầy mà sách vở còn chép lại. Những tích truyện như quan Hành khiển Phạm Sư Mạnh về thăm thầy Chu Văn An, ngựa xe làm huyên náo cả vùng bị thầy quở trách, lần sau chỉ dám mặc áo thâm, đi một mình để giữ lễ thầy trò.
Hay điển hình như câu chuyện vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ, không trống rong cờ mở mà chỉ mang theo vài cận thần. Thấy thầy giáo, vua vội vàng đến gần cụ. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy nhưng vua Lê Hiến Tông nhanh tay nâng vai thầy lên, lễ phép nói: "Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ".
Sau đó, quay lại với những người đang quỳ rạp hai bên đường, vua nhẹ nhàng bảo: "Cho tất cả các người đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư", đồng thời nhắc lại rằng, ông đến đây để thăm thầy chứ không phải đi việc công cán, mọi nghi lễ chốn triều đình nên dùng vào lúc khác.
Ngôi nhà thầy Nguyễn Bảo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ Nguyễn Bảo giật mình: "Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ".
Đáp lại, nhà vua nhẹ nhàng nói: "Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi". Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Sau đó nhà vua còn cùng thầy mình dùng bữa cơm dân dã rất vui vẻ.
Những câu chuyện như vậy đã làm tấm gương sáng để cho mãi mãi người đời sau noi theo. Bởi lẽ, ngoài cha mẹ là người sinh thành dưỡng dục thì thầy giáo cũng là người sinh ra ta trên phương diện tinh thần, dẫn dắt ta đến biển trời tri thức, để ta trưởng thành và sống có ích cho xã hội. Bởi vậy, tôn sư trọng đạo chính là một cách để “ăn quả nhớ người trồng cây”, là một cách trọng đạo làm người.
Du lịch, kiến trúc và lịch sử làm nổi bật những nét đẹp văn hóa Thủ đô |
Hà Nội - những mạch nguồn vô tận cho tác phẩm văn học |
Sân khấu Thủ đô sáng đèn, thắp lên nhiều triển vọng mới |