Venice chật vật tìm giải pháp khi triều cường dâng cao
Thành phố cổ kính Venice bị ngập chìm trong đợt thủy triều hiếm thấy. Ảnh: AP
Thiệt hại hàng tỷ euro
Hiện tượng triều cường đã tồn tại từ lâu ở thành phố Venice. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu được cho là đã khiến nước dâng cao bất thường và làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.
Trong tuần trước, hai đợt triều cường dâng liên tiếp đã nhấn chìm Venice. Trong đó, đợt triều ngày 12/11 có đỉnh cao tới 1,87m, mức cao nhất kể từ năm 1966, khiến hơn 85% diện tích thành phố bị ngập chìm trong biển nước.
Nước ngập hầu khắp các con phố, quảng trường và tràn vào bên trong các quán cà phê, cửa hàng và nhà ở khiến thành phố tê liệt. Ngày 14/11, Chính phủ Italy đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Người dân lội nước đi lại trong các con phố tại Venice. Ảnh: AP |
Ngày 17/11, triều cường tiếp tục dâng cao 1,5m. Theo dự báo, mực nước vẫn có thể lên đến 1,6m vào cuối tuần này. Tình trạng ngập lụt nặng đã khiến hai người chết và ba tàu chở khách công cộng ở Venice bị chìm. Các trường học và bệnh viện phải đóng cửa. Giới chức thành phố khuyến cáo người dân đừng rời khỏi nhà khi không cần thiết.
Không chỉ gây thiệt hại đến các công trình kiến trúc hay các địa điểm du lịch, đời sống của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước ngập vào nhà khiến điện bị cắt và làm hỏng nhiều đồ đạc giá trị. Bên cạnh đó, nước không chỉ tràn ra từ các con kênh trong thành phố mà còn từ nhà vệ sinh hay đường ống cống thoát nước.
Garbin, một người dân sống tại Venice cho biết: “Nước chứa đầy chất bẩn. Tôi phải vớt chúng để không bị trôi vào bên trong tủ lạnh sau khi cửa tủ rụng ra”.
Ông Luigi Brugnaro, Thị trưởng Venice ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra cho thành phố này đã lên tới một tỷ euro, tương đương 1,1 tỷ USD.
Venice là thành phố xinh đẹp ở Đông Bắc Italy được xây dựng trên 118 hòn đảo, nằm giữa 175 kênh đào và kết nối với hơn 400 cây cầu. Tuy chỉ là một thành phố nhỏ với 50.000 cư dân song Venice thu hút tới 36 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm.
Dự án 16 năm vẫn chưa hoàn thành
Vào những năm cuối thập niên 1890 của thế kỷ XIX, các quan chức Venice đã cho đổi hướng một loạt con sông để tránh dòng nước đổ vào thành phố. Những tổ chức tình nguyện như “We are here Venice” được thành lập để nâng cao ý thức bảo tồn trong cộng đồng. Tuy nhiên, những hoạt động này dường như không mấy hiệu quả.
Đến năm 2003, chính quyền thành phố triển khai xây dựng hệ thống đập chắn MOSE nhằm giảm bớt ảnh hưởng của thủy triều dâng. Với 78 cửa ngăn chống lũ, MOSE được lên kế hoạch kể từ sau vụ lụt lịch sử năm 1966. Dự kiến hoàn thành vào năm 2011, dự án được coi là hy vọng để bảo vệ thành phố du lịch nổi tiểng này trước các đợt triều cường.
Ước tính hơn 50 nhà thờ ở Venice đã bị thiệt hại do triều cường và chi phí để khôi phục hậu thả do thiên tai tại thành phố này rất lớn. Ảnh: AFP |
Đến nay, sau 16 năm dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động do ảnh hưởng bởi các vụ bê bối tham nhũng, đội vốn và trì hoãn. Theo giới chức thành phố, để hệ thống này có thể chính thức hoạt động vào năm 2021, tổng mức đầu tư dự án sẽ đội vốn lên đến 5,5 tỷ euro, tức gấp gần 3,5 lần mức đề xuất ban đầu (1,6 tỷ euro).
Chưa rõ giải pháp gì khả thi để cứu dự án khổng lồ này nhưng trên thực tế, nhiều phần hạ tầng dưới mặt nước đã bắt đầu gỉ sét. Hằng năm, chi phí duy trì hệ thống chưa hoàn thiện lên tới 100 triệu euro, cao hơn mức dự kiến ban đầu rất nhiều.
Ngoài ra, các kênh đào chằng chịt qua các tuyến phố của Venice đang càng ngày được đào sâu hơn để có thể thông tuyến cho các tàu du lịch cỡ lớn nên thành phố này đang dần bị cô lập thành một hòn đảo thật sự đối với phần còn lại của Italy. Nếu hiện tượng này đi đến hiện thực thì tổn thất không chỉ đến với hệ sinh thái của địa phương mà còn làm lung lay cả nền móng của thành phố cổ kính.
Trước tình hình trên, dường như cuộc chiến chống ngập lụt ở Venice chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Bài liên quan
Venice (Italia): Thành phố kênh đào đang bị du khách “nhấn chìm”
Lật thuyền chở người di cư tại Italy khiến ít nhất 13 người thiệt mạng
Italy: Mua nhà với giá chỉ từ 1 Euro