Vị thế Việt Nam!
Phát biểu tại phiên Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tiễn đã cho thấy, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế tốt như bây giờ. Vấn đề còn lại là tận dụng như thế nào. Vượt qua mọi thách thức để tận dụng tốt thời cơ là điểm mấu chốt để đất nước ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Đó là kỷ nguyên đánh dấu thời kỳ phát triển mới của dân tộc, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại, và tất yếu phải tạo thành những dấu mốc rất rõ rệt, điển hình.
Công cuộc đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã trải qua chặng đường gần 40 năm (1986 - 2024).
Sự hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng là một quá trình, từ những tìm tòi, thử nghiệm đầu tiên ở một số địa phương cuối những năm 70 của thế kỷ XX nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và quản lý kinh tế do chính sách và cơ chế không phù hợp với thực tiễn gây ra, đến tổng kết những thành công bước đầu của những thử nghiệm đó và Đảng đề ra quyết sách đổi mới tại Đại hội VI (tháng 12/1986).
Gần 40 năm tìm tòi, khảo nghiệm, thử nghiệm và nỗ lực phấn đấu, kiên trì luận giải, giải đáp và thực hiện “những câu hỏi liên quan đến vận mệnh sinh tử của dân tộc”, tại Hội nghị Trung ương 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi bàn về cơ đồ đất nước sau 40 năm đổi mới, Đảng ta nhận định: “Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của thời đại, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đó là sự lựa chọn mang tính lịch sử, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện về tư duy, nhận thức lý luận, về đường lối lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, đối ngoại và an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…; là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa to lớn, mở ra một diện mạo, tầm nhìn mới cho đất nước ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, do Nhân dân Việt Nam thực hiện”1.
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: Phạm Cường). |
Những thành tựu đối nội: Điểm sáng nâng tầm vị thế
Dự thảo Báo cáo“Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII đã khái quát: “Sau 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc. Những thành tựu đó là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của đường lối đổi mới phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn”2.
40 năm qua, đất nước đã có những bước tiến vượt bậc. Trên phương diện lý luận, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Đó cũng chính là quá trình Đảng ta từng bước trưởng thành về tư duy lý luận, nâng cao tầm tư tưởng, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính, có trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội với tư cách một Đảng cầm quyền.
Vượt qua những giáo điều, hạn chế do điều kiện khách quan ở thời kỳ bao cấp, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta “đã trở về với căn nguyên của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn nhận đánh giá một cách khách quan những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để định hình những nhận thức lý luận quan trọng về thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta”3, với những thành tựu rõ nét, đáng ghi nhận:1. Xác định, bổ sung, định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của CNXH Việt Nam trên cơ sở nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện cụ thể của Việt Nam; 2. Tiến hành đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo lý luận CNXH khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới, xác lập mục tiêu phát triển trong xây dựng CNXH; 3. Tổng kết, kế thừa, làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; 4. Hình thành khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” (được xác lập tại Đại hội IX của Đảng) là sự đổi mới căn bản nhận thức, sự đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH ở nước ta; 5. Phát hiện và xác định các mối quan hệ lớn 4 cần giải quyết trong quá trình thực hiện các phương hướng xây dựng, phát triển đất nước; 6. Xác lập mục tiêu, hệ giá trị nhân văn của CNXH Việt Nam trong bối cảnh mới; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước phát triển; 7. Phát triển hơn nữa lý luận về vai trò, sứ mệnh của Đảng, đặc biệt là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; 8. Lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ngày càng được hoàn thiện, nâng tầm…
Chủ tịch nước Tô Lâm với thiếu nhi xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tháng 6/2024. (Ảnh:vpctn.gov.vn). |
Có thể khẳng định, đường lối của Đảng qua gần 40 năm đổi mới thể hiện sự thống nhất hữu cơ trong một chỉnh thể giữa lý luận đổi mới với lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thành tựu này “có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của đất nước. Đây chính là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng giúp cho Đảng ta hoạch định đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”5.
Trên phương diện thực tiễn, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến mau lẹ, nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, tình hình an ninh, chính trị vẫn được giữ vững, tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, trải qua nhiều nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế (năm 1986, khi mới bắt đầu đổi mới đất nước, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, đến năm 2023 đạt 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; tính riêng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023 tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt gần 6%, trong đó, cao nhất là năm 2022 với mức tăng đạt 8,02%, năm 2024 dự kiến đạt 6,8 - 7%; tổng sản phẩm quốc nội liên tục tăng: năm 2013 đạt 2.543.584 tỷ đồng thì năm 2023 đạt 5.830.725 tỷ đồng…).
Đã hoàn thành và đang triển khai các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới (đường dây 500KV, nhà máy thủy điện Sơn La, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam…). Đặc biệt, việc thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số gắn với đảm bảo an ninh, an toàn để phát triển bứt phá được đặc biệt chú trọng (tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; năm 2023, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp thứ 76/193 nước; tính đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới; theo đánh giá của Google, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á về kinh tế số, chiếm khoảng 14,26% GDP…).
Việc quy hoạch đô thị cũng được đặc biệt chú trọng. Theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 có thêm 04 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Dương) và 04 tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Dương).
Đặc biệt, đã tập trung phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh, an ninh con người, cải thiện đời sống Nhân dân. Các thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt giảm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công và cải cách tư pháp kết hợp với đào tạo, rèn luyện, giáo dục tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà nước (điển hình là Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030)6. Trong mọi quyết sách, Đảng và Nhà nước luôn dựa vào dân, “lấy dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ máy Nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng không để ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội (trong giai đoạn 2010 - 2022, đã xử lý 12 đại án lớn: Đại án liên quan đến Đinh La Thăng, Phan Văn Anh Vũ, Việt Á, “chuyến bay giải cứu”, Vạn Thịnh Phát, AIC, Lê Đức Thọ…; hiện đang tập trung điều tra các đại án Phúc Sơn, Thuận An, Sài Gòn Đại Ninh…), đã và sẽ thu hồi cho Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sứ mệnh lãnh đạo của Đảng.
Công tác đối ngoại: Vươn mình để khẳng định
Những thành tựu của đối nội gần 40 năm đổi mới đất nước đã nâng cao tầm vóc của Việt Nam, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho công tác đối ngoại “vươn mình” ra thế giới. Tất nhiên, công tác đối ngoại không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 (8/2016) - một sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành Ngoại giao mà đối với tất cả các binh chủng hợp thành trên mặt trận đối ngoại của đất nước, đồng chí Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Môi trường hoà bình thuận lợi cho phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có bước phát triển mới”.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cu Ba), 8 nước đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Pháp), 12 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
40 năm qua, nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng đã diễn ra, điển hình như: Hội nghị Mỹ - Triều (2019); chuyến thăm của 5 đời Tổng thống Mỹ đến Việt Nam; những chuyến thăm chính thức của các nguyên thủ, nhà lãnh đạo Việt Nam đến các nước trên thế giới (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản…) mà gần đây nhất là chuyến thăm Trung Quốc, Mỹ, Cu Ba, Pháp… của Tổng Bí thư Tô Lâm với những biệt lệ mà các nước này dành cho Việt Nam… đã để lại những dấu ấn tốt đẹp, đặc biệt, thể hiện đường lối ngoại giao song phương và đa phương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam không chỉ là một trong những nước đi đầu phong trào cách mạng thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, phi thực dân hóa, chống xâm lược, mà còn tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và thượng tôn pháp luật ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia, vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Với đường lối thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các nước Đông Nam Á và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định, bền vững lâu dài; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và khu vực toàn cầu; chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, an ninh… đã mang lại những diện mạo mới trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, việc phát huy sức mạnh văn hóa, con người, sức mạnh mềm Việt Nam, nhất là chính sách “khoan dung văn hóa” trong “ngoại giao cây tre Việt Nam” được thể hiện rõ nét, trở thành hình mẫu điển hình trong quan hệ quốc tế. Phát biểu tạm biệt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 24/9/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần thứ 27 đã nhắc về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, với những thăng trầm và cả những thành tựu 2 nước đạt được, từ đó nhấn mạnh: “Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải. Ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè, và đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn”8. Bên cạnh đó, những hoạt động đối ngoại tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế (tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, sẵn sàng đối thoại nhân quyền…). Cùng với đó, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, có nhiều đóng góp quan trọng tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương…
Thực tiễn cho thấy, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không chỉ được thể hiện qua những chỉ số phát triển, con số tăng trưởng, mà quan trọng và cốt yếu nhất vẫn là đường hướng phát triển của đất nước luôn hướng đến một xã hội tốt đẹp, phản ảnh khát vọng của dân tộc và xu thế chung của nhân loại tiến bộ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có…”9.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. |
Có thể khẳng định, những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tất nhiên trên hành trình đó, Đảng, Nhà nước, dân tộc và Nhân dân ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách cần phải vượt qua.
Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV sáng 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Phải chăng, Tổng Bí thư muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân một khát vọng phát triển mạnh mẽ và hiệu triệu cả nước sẵn sàng đón nhận cả những khó khăn, thách thức trên chặng đường “Ta đi tới”10!?.
1 Ban Chấp hành Trung ương (2024), Đề cương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ Mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hà Nội, tr.4.
2 Ban Chấp hành Trung ương (2024), Tài liệu đã dẫn, tr.9.
3 Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Chí Hiếu (2024), “Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới”, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nhung-thanh-tuu-ly-luan-lon-cua-dang-qua-gan-40-nam-doi-moi, truy cập ngày 26/10/2024.
4 Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
5 Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Chí Hiếu (2024), Tài liệu đã dẫn.
6 Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Đề án 06 của Chính phủ đã giúp các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa được 207 thủ tục hành chính (TTHC) tại 23 văn bản quy phạm pháp luật. Đây là kết quả rất lớn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 ngay từ khi đề án được triển khai.
7 Trước đó, ngày 19/9/2023, trong phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden đã nêu bật quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh “không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương”.
8 “Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc”, https://trungtamwto.vn/tin-tuc/27571-tong-thong-joe-biden-lan-thu-hai-de-cao-quan-he-viet-nam-hoa-ky-tai lien-hop-quoc, truy cập ngày 20/10/2024.
9 Nguyễn Phú Trọng (2022), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam, truy cập ngày 19/9/2024.
10 Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu.