Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm khó khăn và có thể đạt 6,5% GDP năm 2022
Unilever Việt Nam hỗ trợ phụ nữ vươn lên phục hồi kinh tế sau đại dịch Dự án “Khuê” - màu sắc mới của âm nhạc Việt Nam |
Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ sáng 21/10 |
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố theo đuổi mục tiêu “Zero Covid” nhưng tất cả những cách làm hiện nay đề thể hiện chúng ta kiểm soát dịch theo hướng này, hướng tới mục tiêu đảm bảo cao nhất sức khỏe và tính mạng của người dân.
Dù vẫn cố gắng đảm bảo mục tiêu trên nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta phải chấp nhận vi rút này ngày càng có biến thể, khó kiểm soát, không thể loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.
“Chúng ta phải chấp nhận thực tế không thể đưa con số nhiễm như TP HCM về 0. Đây là điều không tưởng và khó khăn. Phải chấp nhận một tỷ lệ trong cộng đồng nhưng phải kiểm soát được tỷ lệ tử vong”, tư lệnh ngành Y tế nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải thích ứng với dịch bệnh ở thời điểm hiện tại bằng vắc xin, thuốc và tuân thủ 5K.
Chủ tịch nước lưu ý: “Không được chủ quan, đơn giản hóa mà điều kiện tiên quyết vẫn là 5K, vẫn là vắc xin và thuốc. Thích ứng nhưng có kiểm soát tốt, không được từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả”. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với các ổ dịch mới nhất như ở Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định… cần phải kiểm soát, kiên quyết rốt ráo và kịp thời.
“Chúng ta không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước họ cũng đã mở cửa, mình phải tiếp tục mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng bên cạnh đó phải đề cao cảnh giác vì Covid-19 vẫn de dọa”, Chủ tịch nước nói thêm.
Dù đánh giá, trong năm qua, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách Nhà nước… Tuy nhiên, Chủ tịch nước bày tỏ niềm tin vào sự hồi phục, vươn lên trong thời gian tới: “Vừa qua mới mở cửa 1 bước, không khí làm ăn của các doanh nghiệp trên cả nước rất tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… có 1 số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ. TP HCM có chương trình tái thiết hết sức quyết liệt”.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm khó khăn và tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ “trở lại phong độ mới, đạt mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu con số 6,5% GDP”.
Về cải cách tiền lương, theo Chủ tịch nước, Việt Nam đã có kế hoạch từ năm ngoái nhưng chậm lại. Từ kỳ trước, chúng ta đã vượt thu rất lớn nên chúng ta đưa ra chủ trương nếu vượt thu ở địa phương nào sẽ để lại 50% để tăng lương. Số mà chúng ta để lại đạt 600-700 ngàn tỉ, gần đủ khả năng có thể cải cách được một bước tiền lương.
Chủ tịch nước cho biết, có 2 lý do dẫn tới lùi cải cách tiền lương. Thứ nhất, Việt Nam vừa trải qua dịch bệnh quá lớn, đặc biệt tại TP HCM và 1 số tỉnh nên hết nguồn thu và nguồn chi, phải sử dụng 1 số quỹ trong đó có quỹ vượt thu dành cho tiền lương. Thứ hai, đời sống của người dân nói chung còn đang khó khăn, nhất là công nhân nông dân, những người thiếu việc làm rất lớn…
Tuy nhiên, Chủ tịch nước khẳng định không thể kéo dãi mãi việc lùi cải cách tiền lương. Trước mắt, phải có chính sách hỗ trợ, nâng lương 1 bước cho những người về hưu trước 1995 vì số này đang hưởng mức lương quá thấp.
Thứ hai phải tiếp tục sản kinh doanh, dành dụm nguồn lực tốt hơn để những năm tiếp theo có kế hoạch báo cáo quốc hội để tiếp tục nâng lương để động viên đời sống, góp phần giải quyết tham nhũng. Dù vậy, việc tăng lương phải trên cơ sở có nguồn thu, không thể đi vay để tăng lương.