Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu quà Tết nội, ngoại
Xuân đùm bọc - Tết đoàn viên 2021 Thành đoàn Hà Nội mang Tết yêu thương đến với trẻ thiệt thòi Tết ấm cho sinh viên nghèo |
Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt vì bất đồng quan điểm
Tết đang đến gần, nhiều cặp vợ chồng trẻ đang tính toán biếu quà Tết bên nội, bên ngoại như thế nào, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Nguyễn Thanh Hoài ở quận Hoàn Kiếm mới cưới được hơn 1 năm. Đây là cái Tết thứ hai cô nàng sẽ về quê chồng ăn Tết. Tuy nhiên, do cả 2 vợ chồng đều là nhân viên văn phòng, tổng lương cũng chỉ được 15 triệu mỗi tháng trong khi tiền thưởng Tết năm nay bị giảm do công ty làm ăn khó khăn vì dịch Covid-19.
Câu chuyện biếu Tết bên nội, bên ngoại luôn khiến nhiều gia đình trẻ đau đầu (Ảnh minh hoạ) |
Hoài cho biết: “Vì kinh phí ít nên từ nửa tháng nay tôi suy nghĩ rất nhiều về việc biếu xén gia đình hai bên. Năm ngoái thưởng nhiều, lại mới cưới nên cũng có khoản ra, khoản vào, vì thế chúng tôi biếu hai bên thoải mái. Năm nay lương, thưởng eo hẹp, lại phải lo dành tiền để sinh em bé, chồng yêu cầu biếu 2 bên 10 triệu nhưng như thế thì ra Tết đi vay nợ để ăn mất.
Nghĩ mà bực mình với chồng quá. Không biết thưởng Tết của 2 vợ chồng có được từng ấy không mà biếu nhiều thế. Nào đã hết khoản phải lo vì mình còn phải sắm linh tinh nhiều thứ khác. Nghĩ đến Tết mà nản”.
Hoàng Thu Hằng mấy hôm nay giận dỗi vì chồng quyết định biếu bên nội 7 triệu, gồm 5 triệu tiền mặt và 2 triệu mua quà Tết, còn biếu bên ngoại 5 triệu gồm 3 triệu tiền mặt và 2 triệu mua quà biếu.
“Hai vợ chồng tôi đều là cán bộ Nhà nước, tổng thu nhập cộng lại được gần 20 triệu/tháng. Từng đó tiền để chi tiêu ở Thủ đô, chưa kể đóng tiền học cho con, thi thoảng đi đám hiếu hỉ, biếu nội ngoại hai bên. Điều này không phải chồng tôi không biết, thế mà lúc nào cũng vung tiền quá tay khiến không ít lần vợ chồng cãi nhau vì chuyện tiền bạc lúc túng thiếu.
Nhà đã chẳng dư dả gì nhưng lúc nào cũng quá tay chi tiêu mà không biết tiết kiệm. Đã thế lại còn "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Gia đình nhà mình thì biếu nhiều, gia đình nhà vợ thì biếu ít. Một tuần nay tôi giận không thèm nói gì. Để cho tự suy nghĩ xem làm thế có đúng không”, Thu Hằng cho biết.
Trên nhiều diễn đàn, vấn đề biếu Tết bên nội, bên ngoại luôn "nóng" |
Trên các diễn đàn, nhiều nàng dâu trẻ cũng đã trưng cầu ý kiến của bạn bè về việc tặng quà, biếu tiền Tết nhà chồng, nhà vợ như thế nào.
Biếu nhiều hay ít, cốt ở tấm lòng
Nhiều ý kiến cho rằng, tiền biếu Tết cho nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của hai vợ chồng. Tuy nhiên, biếu bên nội bao nhiêu thì bên ngoại cũng nên vậy. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhiều biếu nhiều, có ít, biếu ít, cốt ở tấm lòng các con hướng về bố mẹ.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, Tết đến xuân về bên cạnh niềm vui năm mới là bao nỗi lo như: Dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, sắm sửa, đối nội đối ngoại… dễ khiến vợ chồng đau đầu. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá lên cao, để lo cái Tết tươm tất cũng tốn một khoản không hề nhỏ. Khi kinh tế không đảm bảo, chuyện giận nhau là điều khó tránh, xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là cả hai khéo léo giải quyết, đừng để những lý do trên chi phối làm nảy sinh xung đột khiến Tết mất vui.
Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng trẻ, việc biếu Tết của mỗi gia đình là khác nhau, dựa vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà cân đối. Tết là dịp vui sum vầy, là khoảng thời gian đẹp nhất sau một năm làm lụng vất vả. Vì vậy, các cặp vợ chồng chỉ cần khéo léo, tính toán hợp lý để cả hai bên gia đình cùng vui vẻ thì ngày Tết Nguyên Đán này sẽ trọn vẹn hơn.
Cha mẹ nên hiểu và chia sẻ...
Ở góc độ khác, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Trí thức nữ Hà Nội cho rằng: "Phần lớn các bậc cha mẹ không cần đến quà cáp biếu Tết, chỉ cần con cái hiếu thảo, gia đình thuận hòa, phát đạt. Tuy nhiên, một số người lại có suy nghĩ nuôi con ăn học trưởng thành, bây giờ phải báo đáp lại cha mẹ bằng cách góp tiền hàng tháng hay biếu nhiều tiền vào dịp Tết... Tôi nghĩ rằng, cha mẹ nên hiểu và chia sẻ với con cái.
Tôi thấy có nhiều người con đi lập nghiệp ở xa khi về quê ăn Tết thường có tâm lý muốn mình không quá úi xùi. Chính vì thế mà không ít người cắn răng “chi thoáng”. Biếu Tết cho bố mẹ luôn phải trội hơn anh em hay bạn bè... dẫn đến sau Tết, gia đình lục đục vì thiếu trước, hụt sau.
Do vậy, cha mẹ cũng cần phải thông cảm, đặc biệt đối với những người đi làm xa nhà. Nếu có con cái ở xa về ăn Tết, cha mẹ nên chia sẻ, tránh chi quá trớn. Con cái không muốn bố mẹ phải nghĩ nhiều về mình nên cố gắng "hoành tráng" một cách không cần thiết. Vì thế, chỉ nhận một ít lấy lệ bởi nếu không sẽ biến việc “báo hiếu” trở thành gánh nặng tài chính cho con cái khi cuộc sống của còn khó khăn".
Cùng sinh viên Ngoại thương “Đánh thức Tết” |