Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Văn Dự cho biết: Hiện có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó 70% điểm, khu du lịch ở khu vực nông thôn với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc.
Ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hóa và tài nguyên môi trường. Do đó, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới, cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.
Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý |
Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có tại địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn; Duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền, từ đó, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp mang lại trải nghiệm độc đáo và lợi ích lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương.
Sự phát triển của ngành Du lịch đang tạo ra những cơ hội kinh doanh và góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam là điểm đến hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn đối mặt với thách thức.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn) cho rằng: Chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch nông thôn còn hạn chế; Một số chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn nhiều phức tạp dẫn đến tình trạng nhiều mô hình du lịch nở rộ ở một số tỉnh diễn ra tự phát, không được kiểm soát về chất lượng dịch vụ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện Phát triển Du lịch châu Á (ATI) cho rằng, tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng tham gia vào là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải. Trong nhiều trường hợp, du lịch được triển khai nhưng thiếu đi sự tương tác và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương sẽ dẫn đến mất đi những giá trị văn hóa độc đáo và tương tác xã hội mà du khách mong đợi.
Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, tận dụng tài nguyên |
Nhằm tháo gỡ tình trạng trên, ông Quỳnh đề xuất cần phải có phương nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách như đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể dựa trên điều kiện của mình để phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… lồng ghép các chương trình, dự án.
Do đó, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp.
Cùng với đó, đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ giá trị, tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp với du lịch; Xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; Khuyến khích đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương...
Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp sạch đòi hỏi sự hợp tác và cùng nhau đối mặt với các thách thức trên. Tuy nhiên, với sự đầu tư và tận dụng các cơ hội hợp tác, chúng ta có thể phát triển du lịch bền vững không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế mà còn bảo vệ và tôn vinh các giá trị văn hóa và môi trường của địa phương.