Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em gái
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, những năm qua, UBND các cấp TP Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình về chăm sóc và bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em gái. Vì thế, trẻ em trên địa bàn thành phố ngày càng được quan tâm phát triển toàn diện.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại chương trình |
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nhiều trẻ em vẫn phải chịu tác động mạnh mẽ bởi bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới tạo nên bất bình đẳng giới giữa trẻ em nam và nữ.
Theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 do Tổng cục thống kê Việt Nam thực hiện, có đến 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.
Ngoài ra, theo báo cáo số 662/BC-CP của Chính phủ ngày 16/12/2019 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong giai đoạn tháng 1/2015 đến hết tháng 6/2019 có 8.091 trẻ bị xâm hại trong đó trẻ em gái là 7.032 chiếm tỷ lệ 86.9%, xâm hại tình dục 6432 trẻ chiếm tỷ lệ 79.5%. Ở Hà Nội, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trong đó trẻ em gái bị xâm hại là 419 chiếm 64%.
Một tiểu phẩm của các em học sinh với thông điệp về bảo vệ quyền của trẻ em gái |
Đáng chú ý, năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao là 112 bé trai/100 bé gái. Nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là quan niệm về bất bình đẳng giới trọng nam khinh nữ, tạo những tác động tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và quyền của trẻ em gái.
Là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, diễn đàn trẻ em…, nhằm tăng cường quyền năng trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Điển hình, Hội đã thành lập “Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em”; Cấp huyện và cơ sở đã nhân rộng được 74 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”. Qua mô hình này giúp Hội chủ động lên tiếng, tham gia phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng trong giải quyết nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Tiết mục văn nghệ do các học sinh nữ trường THCS Phú Yên biểu diễn |
Bên cạnh đó, Hội đã thành lập điểm và nhân rộng các mô hình: “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”, “Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, trong đó xây dựng các tiêu chí về môi trường sống an toàn, lành mạnh, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Tại chương trình, học sinh Trường THCS Phú Yên đã tham gia đóng kịch, giao lưu, trả lời các câu hỏi về Ngày Quốc tế trẻ em gái; Truyền thông phòng, chống bạo lực giới, định kiến giới, bạo lực học đường...