Xử phạt chậm, trốn đóng BHXH tương đương lãi suất quá hạn ngân hàng
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) |
Chiều 27/5, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, tại điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm là cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH.
Theo đại biểu, quy định cấm này là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là cấm chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
"Thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu.
Chung mối quan tâm, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong thời gian qua tình trạng doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm diễn ra tương đối nhiều, cần có biện pháp xử lý vi phạm về việc trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Theo quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì đối tượng chậm đóng, trốn đóng cần nộp thêm số tiền bằng 0,03% theo ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng.
Cho rằng mức quy định này còn thấp, chưa đủ tính răn đe, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị, cần quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng, phải tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định để tránh tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH.