19/19 sản phẩm OCOP của huyện Thanh Trì đều được đánh giá đạt 4 sao
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020, UBND huyện Thanh Trì đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Theo đó, huyện đã bổ sung thêm nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Với mục tiêu đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có từ 45 - 50 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP (đạt từ 3 - 4 sao).
UBND huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; Xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng. Phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình OCOP với hơn 200 đại biểu tham dự gồm: Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, xã; Lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rà soát đăng ký các sản phẩm của địa phương tham gia Chương trình OCOP.
Sản phẩm trà thảo mộc tham gia đánh giá, phân hạng |
Theo kế hoạch thành phố giao năm 2020, huyện Thanh Trì phấn đấu có 17 sản phẩm được công nhận OCOP. Huyện đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự Chương trình OCOP, chỉ đạo khảo sát các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2020, với 19 sản phẩm của 3 chủ thể thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Kết quả đánh giá của tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2020, 19/19 sản phẩm của huyện Thanh Trì đều được đánh giá đạt 4 sao.
Cụ thể, Công ty CP Nghiên cứu chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Vạn An có 5 sản phẩm: Đông trùng hạ thảo khô, rượu đông trùng hạ thảo, cao ngựa bạch, bột canxi ngựa bạch, sữa canxi ngựa bạch.
Hợp tác xã Rượu ngâu có 2 sản phẩm: Rượu nếp cái tửu và rượu hoa cúc tửu. 12 sản phẩm còn lại là của cơ sở sản xuất tư nhân Lê Đình Tuấn gồm: Bột mầm đậu nành mộc sắc, trà lá sen mộc sắc, trà hoa ngọc lan mộc sắc, trà chanh vàng mộc sắc, tinh bột nghệ, trà cam thái lát, trà hoa hòe, trà hoa bách hợp, trà hoa mẫu đơn, trà tâm sen và trà hoa oải hương.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến đánh giá: Với sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương, thành phố Hà Nội, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được thực hiện khá đồng bộ, bài bản, khoa học; Từ đó, mang lại hiệu quả tích cực cho Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Trần Sỹ Tiến, kết quả này cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh, từng bước thúc đẩy khởi nghiệp ở khu vực nông thôn.