Bắc Kạn: Nỗ lực không ngừng giúp người lao động có việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn tư vấn cho người lao động ở thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm |
Do đặc thù còn ít nhà máy, xí nghiệp… cho nên nhiều lao động của Bắc Kạn đã đi lao động ngoại tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên… Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng cộng đã có khoảng 1.400 lao động của tỉnh rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Kịp thời hỗ trợ người lao động thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức đón các lao động về, tiếp nhận hồ sơ chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, trung tâm đã giải quyết được chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.225 người và tiếp tục hoàn thiện, giải quyết cho số lao động còn lại. Trong chín tháng đầu năm, Trung tâm đã chi trả hơn 13 tỷ đồng tiền trợ cấp thất nghiệp cho các lao động.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn Nguyễn Hồng Việt cho biết, do khó khăn về kinh phí nên so với các tỉnh, chính sách hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm của Bắc Kạn chưa nhiều. Do đó, để hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong hoàn cảnh dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng, đơn vị đã và đang tập trung đa dạng hóa các kênh thông tin nhằm giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ cho người lao động hiệu quả nhất.
Theo cách này, Trung tâm đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, học nghề tới tận các xã. Tổ chức thành công 28 phiên giao dịch việc làm lưu động cấp xã với 8.109 người tham dự.
Trung tâm tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối chín tỉnh phía bắc do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh chủ trì. Hằng tuần, vào ngày thứ năm, Trung tâm tổ chức tư vấn trực tuyến với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh. Trung tâm cũng thực hiện thông tin, tư vấn thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, thu hút hơn 81 nghìn lượt người xem và hơn 9.000 lượt tương tác.
Để giới thiệu việc làm, Trung tâm phối hợp các doanh nghiệp tìm hiểu, mở rộng thị trường ở các tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lớn và đi xuất khẩu lao động. Tổng cộng, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho hơn 600 lao động, phấn đấu đến cuối năm đạt con số 1.000 người có việc làm mới.
Nhiều lao động tìm được việc làm ổn định |
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại Bắc Kạn cũng chung tay hỗ trợ cho người lao động tạm thời nghỉ việc. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá kim loại trên thị trường sụt giảm sâu, làm cho sản phẩm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn khó tiêu thụ, dẫn đến thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất.
Tháng 3, công ty đã phải tạm hoãn hợp đồng đối với 169 lao động. Đến tháng 4, phải tạm dừng hợp đồng lao động đối với 400 công nhân tại Công ty TNHH Việt Trung (trực thuộc Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn) và thêm 88 công nhân tại công ty.
Công ty đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với những lao động thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và phối hợp các nhà hảo tâm hỗ trợ 1,5 tấn gạo cho 150 lao động. Đến nay, khi bắt đầu khôi phục sản xuất, công ty đã tiếp nhận trở lại gần toàn bộ số công nhân đang tạm hoãn hợp đồng.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tính đến tháng 8/2020, tỉnh đã hỗ trợ 2.028 lao động, trong đó có 1.587 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 114 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 16 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 311 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương. Nhờ hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu kịp thời cho nên đến nay, tỷ lệ thất nghiệp của Bắc Kạn vẫn dưới mức 5% tổng số người trong độ tuổi lao động.
Từ nay đến cuối năm, Bắc Kạn tiếp tục nỗ lực tư vấn, giới thiệu việc làm, phấn đấu bảo đảm mục tiêu sẽ có 5.000 việc làm mới cho người lao động.