Chủ động hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm
Cán bộ Ngân hàng Chinh sách xã hội huyện Phù Cát (Bình Định) tư vấn, hỗ trợ người dân vay vốn, tạo việc làm |
Năm 2020, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh là 114,1 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ vốn vay cho chương trình xuất khẩu lao động và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 33,5 tỷ đồng; trong đó, vốn vay chương trình việc làm là 13,5 tỷ đồng, vốn chương trình xuất khẩu lao động là 20 tỷ đồng. Tháng 6/2020, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ 75 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi.
Vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu lao động sang các thị trường có xu hướng giảm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chuyển nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động sang chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền là 22 tỷ đồng (trong đó có 2 tỷ đồng do người đang xuất khẩu lao động trả lãi, trả một phần vốn khi đến kỳ hạn), nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được bổ sung năm 2020 là 110,5 tỷ đồng.
Điều này cho thấy sự linh hoạt, chủ động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các ngành liên quan nhằm tăng vốn vay tín dụng ưu đãi cho các hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nguồn vốn chuyển đổi đã được phân bổ tại một số địa phương như: Phù Cát 3,7 tỷ đồng, Quy Nhơn 3,5 tỷ đồng, Tây Sơn 3,3 tỷ đồng, An Nhơn 2,4 tỷ đồng,… Ông Trần Quốc Quân, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát, cho biết thêm: “Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, huyện Phù Cát sẽ về đích nông thôn mới.
Điều này có nghĩa là các hộ dân ở các xã bãi ngang ven biển sẽ không thể tiếp cận chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Vì lẽ đó, nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Đến cuối tháng 8/2020, tổng doanh số cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện là 30 tỷ đồng. Trong đó, doanh số vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương là 7,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm khoảng 43 tỷ đồng, riêng dư nợ nguồn vốn địa phương gần 12 tỷ đồng”.
Tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi và được giải ngân vốn vay 49 triệu đồng vào tháng 7 vừa qua, anh Hoàng Minh Hà (ở huyện Phù Cát) lập tức sắm 3 máy in màu đời mới phục vụ cho cơ sở in ảnh, thiệp mời của mình. Khuyết tật hai chân do sốt bại liệt từ nhỏ nhưng anh Phúc quyết tâm lập nghiệp, tự lực, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Ngoài cơ sở in, anh còn làm nghề hàn.
“Tôi làm nghề in từ 10 năm trước. Hồi đó còn in thủ công, sau đó, tôi tiếp cận với công nghệ in kỹ thuật số rồi từng bước chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. 5 năm trở lại đây, tôi được tạo điều kiện, xét duyệt vay vốn làm ăn. Tôi quan niệm: Đã được tin tưởng, tạo điều kiện về đồng vốn thì phải cố gắng, nghiêm túc, có kế hoạch trả lãi, trả nợ. So với trước, cuộc sống của vợ chồng tôi đã bớt khó khăn hơn”, anh Hà tâm sự.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương đã triển khai cho gần 3.000 lượt khách hàng với tổng doanh số cho vay đạt 140 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 19,4 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ của chương trình đạt 182 tỷ đồng, với hơn 4.600 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân là 39,4 triệu đồng/hộ.
Nguồn vốn này đã giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, góp phần duy trì và khôi phục các làng nghề truyền thống, ổn định cuộc sống, trợ giúp người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm, từng bước nâng cao điều kiện sống của những hộ có thu nhập thấp.
Tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm từ cuối năm 2019, chị Phan Thị Hiền (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) dùng toàn bộ số tiền vay 50 triệu đồng để mua gần 1,5 tấn đót nguyên liệu cho cơ sở làm chổi đót của mình. Ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất, cơ sở của chị đảm bảo được việc làm cho 10 lao động nữ với thu nhập bình quân 150 nghìn đồng/người/ngày.
Chị Hiền chia sẻ: “Gần 30 năm theo nghề đót của cha mẹ, tôi cũng có được một lượng bạn hàng ổn định ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Nghề đót là nghề làm quanh năm, nên lúc nào trong kho cũng phải trữ được một lượng lớn nguyên liệu thì mới chắc dạ, yên tâm nhận đơn hàng. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến các đơn vị thu mua chổi đót để xuất khẩu nên họ nhờ mình thông cảm, cho chậm tiền hàng. Vốn vay giải quyết việc làm vừa qua đã giúp tôi được một khoản tiền để mua đót nguyên liệu”.
Sự linh hoạt nêu trên đã giúp cho nhiều người dân được hưởng lợi, tạo thêm nhiều việc làm. Đây là cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong mua dịch.