Bài 2: Mang đến một không gian sống xanh và đậm nét văn hóa
Nét đẹp văn hoá, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của kinh tế Việt Nam Đưa văn hóa người Hà Nội thành tiêu biểu cho phẩm giá Việt... |
Những con đường rất xanh của Hà Nội...
"Những con đường rất xanh của Hà Nội
Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội
Những con đường ngoại ô nắng chói
Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi"...
Những không gian mang tính biểu tượng của Hà Nội |
Xin mượn những câu hát da diết trong bài "Mong về Hà Nội" của nhạc sĩ Dương Thụ để mở đầu bài viết này. Hà Nội - Thủ đô của cây xanh, Thủ đô của những bóng mát. Việc trồng cây, tạo nên những bóng cây xanh rờn được chú trọng và rất được người dân đồng tình. Có thể thấy, những hàng cây xà cừ, hàng sấu cổ thụ trên các tuyến phố đậm dấu ấn thời gian như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Bà Triệu...
Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng là người chan hòa với thiên nhiên, yêu cây xanh nên trong Phủ Chủ tịch nơi vườn cây, ao cá Bác Hồ có biết bao cây xanh vừa tỏa bóng râm mát vừa mang đến bóng dáng các vùng miền trên khắp Tổ quốc mình như dừa, vú sữa, nhãn...
Không gian đẹp như mơ của Hà Nội |
"Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội" của nhạc sĩ Dương Thụ là viết về Hà Nội trong kí ức một thời. Giờ trong quy hoạch đô thị, Hà Nội có biết bao nhiêu loài cây tiếp tục được trồng, ăn sâu bám rễ và trở thành những nhân tố không thể thiếu với Thủ đô rợp bóng cây xanh.
Hà Nội có 12 mùa hoa, cùng với đó là biết bao mùa cây thay phiên nhau tạo nên những điểm nhấn vô cùng thú vị cho thành phố này. Từ đầu năm, với những con đường hoa đào tỏa bay khắp phố. Đến tháng hai hoa sưa trắng tinh khiết trên khắp nẻo đường. Đây cũng là lúc hàng loạt cây mới lên lá tạo nên sức sống tuyệt vời cho thành phố khởi đầu mùa xuân.
Tháng ba hoa ban khoe sắc níu bao bước chân qua. Tháng 4, tháng 5 như bây giờ, biết bao trái tim người Hà Nội và khắp cả nước xao xuyến trước sắc tím ngắt ngơ và sắc đỏ rực rỡ của bằng lăng, phượng vĩ...
Những con đường tím biếc |
Tháng 6 phượng vàng và muồng hoàng yến, tháng 7, tháng, tháng 9 xanh mượt những tán cây cao vơi bớt cái nắng hè oi ả. Tháng 10, 11, 12, những lúc giao mùa có khi cả dãy phố dài vàng rực lá, ngất ngây bao hồn thơ khi gió khẽ lướt qua...
Những con đường rất xanh của Hà Nội không chỉ là niềm tự hào với người Thủ đô mà còn là điểm nhấn ấn tượng với du khách nước ngoài khi đặt chân đến nơi này. Trong khi đó, những loài cây tham gia tích cực vào bộ mặt đô thị, vừa là trang trí vừa điều hòa không khí, nhiệt độ.
Dưới những bóng cây xanh, trong các công viên, người dân đi bộ, tập thể dục, cắm trại, hoạt động ngoài trời... rèn luyện sức khỏe trong một không gian đáng sống, gần gũi với thiên nhiên và yêu mến, bảo vệ màu xanh này vì chính cuộc sống của mình.
Không gian đậm văn hóa của Thủ đô
Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 nêu rõ: Tại khu vực nội đô lịch sử, quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, giá trị các di tích văn hoá - lịch sử (với sự nâng tầm bằng công nghệ số), các trụ sở cũ, các khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại nhằm phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại; tiếp tục gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng việc khai thác đồng bộ, hiệu quả các không gian trên cao, mặt đất và không gian ngầm…
Nét cổ kính của ngàn năm Thăng Long |
Thực tế cho thấy, điều này tiếp tục tạo điều kiện cho Hà Nội phát huy các giá trị đã đạt được của mình trong hiện tại và tương lai để Thủ đô của chúng ta hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hoà trong phố phường tấp nập, Cột cờ Hà Nội vươn cao đầy kiêu hãnh và tự hào. Bên cạnh đó, Hoàng Thành Thăng Long cổ kính ngàn năm với lịch sử đầy hào hùng của Thủ đô.
Rất nhiều di sản vật thể vẫn đang được Thủ đô gìn giữ, trân trọng và phát huy giá trị trong thời hiện đại như: Chùa Một Cột, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Tiêu Dao, chùa Quán Sứ… mang đến vẻ đẹp đầy bản sắc văn hóa cho Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta. Đây vừa là những địa điểm tâm linh, tưởng nhớ anh hùng của đất nước, vừa là những công trình mang kiến trúc độc đáo.
Những công trình kiến trúc độc đáo |
Là một bộ phận không thể tách rời của kiến trúc, di sản văn hóa Thủ đô, các công trình mang dấu ấn Pháp vẫn hoà mình vào dòng chảy của nhịp sống hôm nay. Đồng thời, đây cũng là một trong những biểu tượng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam…
Mỗi công trình một dấu ấn, mở ra những không gian riêng trong tổng hòa những không gian độc đáo, đặc sắc của Hà Nội ngày nay. Kết luận 80 của Bộ Chính trị cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục định hướng, mang đến những thuận lợi vô cùng tuyệt vời cho Hà Nội hôm nay và tương lai.
(Còn nữa)