Bài 2: Thanh cao, tao nhã văn hóa người Tràng An
Nét tinh tế, hào hoa trong dòng chảy văn hóa trà Hà thành TTTĐ - Thăng Long - mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi là kinh đô nhiều đời, cũng là chốn tập trung rất nhiều trí ... |
Dấu ấn trà Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là điểm hẹn của những giá trị văn hóa tinh túy nhất cả nước. Người Hà Nội từ trước đến nay vẫn vậy, vẫn cái vẻ thanh nhã cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong cách ăn, cách uống. Dù chỉ là một ấm trà, một chút thư giãn giữa đêm nhưng người Hà Nội cũng trân trọng như một nghi thức.
Chúng ta có thể thấy trong “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng: “Cái đêm tháng hai ở Hà Nội kỳ ảo lắm. Có khi còn mưa phùn, có khi có gió thổi se se trên lộc đào, nhánh mai, nhưng bao giờ cũng vẫn còn hơi rét. Thành phố im lặng, ngồi trong nhà mà nghe thấy từng cái lá rụng ngoài vườn.
Anh em bè bạn lần lượt ra về thong thả. Trẻ ở nhà trong cũng ngủ yên. Hai vợ chồng nhìn nhau không nói, nhưng cảm thấy mình như là tiên sống cách biệt cõi trần, lấy cái ấm “cò bay” bằng đồng bạch ra dun nước rồi cầm cái khăn đỏ lau lại bộ đồ trà, pha một ấm trà ướp thủy tiên mời nhau uống, trịnh trọng như hai tân khách.
Các cụ sành trà thường bảo muốn thưởng thức trà tuyệt kỹ thì phải là cái thứ trà mộc không ướp hoa gì nhưng mình có phải là tay sành đâu mà phải theo khuôn sáo ấy! Chỉ biết là vợ con ở trong nhà, học đòi các cụ gọt thủy tiên, còn thừa thì đem trồng trong cát, chơi hoa đến hết ngày rằm, đem cắt những bong hoa hãy còn tươi ướp trà Tàu rồi sấy cất đi để dành, lúc phởn phơ trong bụng thì lấy ra pha uống, thế thôi.
Ôi chao, cần gì phải trà mộc, cần gì phải nước giếng thanh tân, cứ cầm cái chén quân đưa lên môi và nghĩ rằng hoa thủy tiên là do vợ mình gọt, trà thủy tiên này là do vợ mình ướp, ấm trà này là do vợ mình pha thì cũng đã thấy ngào ngạt hương tình trong khắp cả cái đêm xuân tĩnh mịch này rồi”!
Đọc những áng văn ấy, ta mường tượng ra cái không khí êm đềm mà không kém phần sang trọng, tinh tế của người Hà Nội một thời. Đoạn văn tuy ngắn mà như dựng lên những thước phim đen trắng đầy thú vị về cung cách thưởng thức cuộc sống, đắm say với cuộc sống và cũng là một nếp sống của tầng lớp người Hà Nội ngày xưa ấy.
Thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội vốn không nằm trong khu vực có vị trí địa lý đắc địa để sản xuất, phát triển cây chè (trà). Ấy vậy mà, chính nơi đây đã khiến trà có những sự tác động và đánh dấu về sự tồn tại và phát triển của nền văn hoá trà Việt.
Tuy không trồng ra chè nhưng cũng chẳng kém cạnh với các địa phương làng nghề chè khác, trà Hà Nội cũng nổi bật với nhiều loại trà phong phú như trà sen Tây Hồ, trà mạn, trà hoa bưởi, mỗi loại đều mang hương vị và phong cách riêng.
Người Hà Nội biết kết hợp những sản vật từ địa phương khác với đặc sản của riêng vùng đất này để tạo nên những sản phẩm không đâu có, mang đặc trưng, hồn cốt của chính bàn tay và sự sáng tạo mà nên.
Đặc biệt, trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà” nhờ sự cầu kỳ, thanh nhã và tinh tế. Trà sen Tây Hồ cầu kỳ trong khâu chọn nguyên liệu, với những búp trà tươi ngon được ướp trong những bông sen bách diệp (hoa sen trăm cánh) được trồng tại khu vực Hồ Tây - Hà Nội.
Có rất nhiều cách ướp trà khác nhau nhưng với những người như chủ đầm sen thì họ phải chèo thuyền nhẹ nhàng ra giữa hồ vào lúc chiều muộn, khẽ khàng cho lượng trà vừa phải vào trong giữa bông hoa sen vừa hé nở và buộc lại.
Sau một đêm “nằm ngủ giữa đài sen”, hấp thu hết tinh túy của đất trời cùng gió, sương, ánh trăng và sự chuyển dịch của thời gian, sáng sớm hôm sau, chèo thuyền ra hái bông sen còn long lanh sương sớm trong đầm sen ngát hương xuống để thưởng thức cũng đã là một thú vui đầu ngày.
Theo các nghệ nhân, thưởng thức trà sen là một nét nghệ thuật thanh nhã: Nhẹ nhàng tách cánh hoa để lấy trà, cho trà vào khay tre, tráng ấm và chén bằng nước sôi, rồi chậm rãi đổ trà vào ấm và ủ trong 3 phút.
Người uống trà sử dụng nước sôi 80 - 85 độ C để pha trà, ngâm từ 30 giây đến 1 phút, tùy sở thích sau đó rót trà từ ấm ra chén tống, rồi sang chén nhỏ để thưởng thức. Trước khi uống, ngửi hương trà, sau đó nhấp một ngụm nhỏ và từ từ thưởng thức. Hương vị trà sen tinh tế và thanh khiết vô cùng, với vị chát nhẹ và hậu ngọt nơi đầu lưỡi, là lựa chọn hoàn hảo cho những buổi sáng sớm tinh mơ.
Nhiều người sành trà cũng thích vị trà ướp hoa nhài. Tuy mùi thơm hơi đậm đà nhưng nốt hương cứ lưu luyến mãi nơi vị giác cũng khiến người ta nhớ lâu, nhớ sâu hơn, nhất là khi uống cùng người tri kỉ.
Hay vào những độ cuối xuân, trà hoa bưởi cũng được dịp tỏa hương cùng bầu không khí của Hà Nội. Hoa bưởi khác với hoa sen ở mùi hương đặc trưng, hương thơm ngào ngạt cũng bởi hương thơm ấy mà hoa bdưởi cũng được đưa vào nhiều món ăn khác nhau không chỉ riêng gì trà.
Dẫu vậy, trà hoa bưởi cũng không kém phần cầu kì, đòi hỏi sự tỉ mỉ của nghệ nhân làm trà. Trà hoa bưởi dành cho những thực khách ưa sự đậm đà hương của hoa. Cũng bởi hoa bưởi chỉ có mùa, nên mỗi dịp tiết hạ đây cũng là một thức quà luôn được người dân “săn lùng".
Trà Hà Nội sau từng ấy năm tháng, vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của mình, là món quà văn hóa độc đáo, làm say lòng những ai từng một lần thưởng thức. Thưởng thức trà Hà Nội, ta không chỉ thưởng thức một ly trà mà còn đắm mình vào dòng chảy lịch sử và văn hóa phong phú, đầy ý nghĩa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Hương trà - phẩm cách người Hà Nội
Văn hóa uống trà hay các loại trà Hà Nội không chỉ đơn thuần là cung cách thưởng thức, một thức uống mà còn là một biểu tưởng tinh túy của văn hóa truyền thống nơi đây. Thức quà mang dậm dấu ấn bản sắc chan chứa tình cảm, sự tinh tế, mộc mạc và lòng hiếu khách của chính con người Hà Nội. Từ trà sen thanh nhã đến trà bưởi đậm hương, mỗi loại trà đều phản ánh một đời sống tinh thần và cốt cách người dân Hà thành.
Người Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với phong cách sống thanh lịch, tao nhã và cốt cách cao quý. Điều này được thể hiện rõ ràng qua văn hóa uống trà, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Văn hóa uống trà của người Hà Nội không chỉ là một thói quen mà còn là một nghệ thuật sống, phản ánh những giá trị văn hóa và nhân cách sâu sắc.
Người Hà Nội luôn trân trọng những giây phút thưởng trà, coi đó là khoảnh khắc để tĩnh tâm và suy ngẫm về cuộc đời. Họ thường chọn những không gian yên tĩnh, thanh bình để thưởng trà, như trong các quán trà cổ kính hay tại chính ngôi nhà của mình.
Thưởng trà ở Hà Nội không chỉ là một thú vui cá nhân mà còn mang tính cộng đồng cao. Những buổi uống trà cùng gia đình, bạn bè hay hàng xóm không chỉ giúp gắn kết tình cảm mà còn là cơ hội để chia sẻ, tâm sự và hỗ trợ lẫn nhau. Việc mời trà khách đến nhà cũng là một phần trong văn hóa hiếu khách của người Hà Nội, thể hiện lòng mến khách và sự chân thành.
Qua từng chén trà, người Hà Nội tìm thấy sự bình yên và tĩnh lặng trong tâm hồn. Thưởng trà là cách để người Hà Nội giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống thường nhật. Những buổi sáng yên bình bên chén trà, những chiều tà nhâm nhi ly trà mạn hay những tối tối thư giãn với trà hoa cúc đều là những khoảnh khắc giúp người Hà Nội tìm thấy niềm vui và sự thanh thản.
Một nét độc đáo trong văn hóa uống trà của người Hà Nội chính là trà đá vỉa hè. Trà đá vỉa hè mang lại một phong cách thưởng trà giản dị, gần gũi bình dân và trở thành văn hóa đại chúng, đặc biệt với một nơi có thời tiết 4 mùa như Hà Nội. Trà đá là cách gọi quen nhưng thực chất tùy theo mùa mà người ta uống nóng hay uống đá.
Trên các con phố, từ khu phố cổ đến những ngõ nhỏ, hình ảnh các quán trà đá với những chiếc ghế nhựa đơn sơ và những cốc trà đá mát lạnh đã trở thành quen thuộc.
Còn những sáng, những trưa, những chiều và cả những tối mùa đông, chén trà thơm bốc khói ủ bàn tay buốt cóng cũng tạo nên một cảm giác “rất Hà Nội” mà ai có trải qua thì mới hiểu.
Một quán trà đá vỉa hè nhỏ trên phố cổ Hà Nội |
Trà đá vỉa hè không chỉ là nơi để giải khát mà còn là điểm gặp gỡ, giao lưu của mọi tầng lớp trong xã hội. Đây là nơi mà sự giản dị và mộc mạc trong cách thưởng trà trở thành cầu nối giữa con người với con người, tạo nên những cuộc trò chuyện thân mật và ý nghĩa
Phẩm cách của người Hà Nội, qua nghệ thuật uống trà, thể hiện sự thanh lịch, tao nhã và tinh tế. Đây là nét đẹp văn hóa đã và đang được giữ gìn và phát huy, tạo nên một phần không thể thiếu trong bản sắc của thủ đô nghìn năm văn hiến. Trà luôn là người bạn đồng hành, nhắc nhở chúng ta về những giá trị chân thực và sâu sắc của cuộc sống, giúp ta tìm thấy sự bình yên và triết lý nhân sinh giữa dòng đời bất tận.
(Còn nữa)