Bài 4: “Cảng bình yên” nào cho người chăn nuôi?
Bài liên quan
Bài 3: “Chính sách có nhưng… Nhà nước ở quá xa”
Bài 2: Nhịn thịt lợn vì… sợ dịch
Giá lợn giảm, người chăn nuôi lao đao
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh thứ 18 và khiến người tiêu dùng sợ hãi nhịn thịt, người chăn nuôi và tiểu thương lao đao vì chợ vắng, giá giảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lượng khách mua thịt lợn đổ dồn vào các siêu thị có kiểm dịch hàng ngày mặc dù mức giá thịt lợn giữ nguyên không giảm. Đồng thời, những hệ thống chăn nuôi lớn vẫn vững vàng trước sóng gió của dịch tả lợn châu Phi.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn tại nhiều chợ dao động từ 50.000 - 9.000 đồng/kg tùy theo từng loại thịt. Mức giá giảm từ 1.000 - 2.000 đồng so với trước thời điểm thông tin về dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Nhiều tiểu thương cho biết, lượng thịt họ bán ra cũng giảm hẳn một nửa: nếu trước khi có dịch bán được khoảng 2 tạ thịt lợn thì nay chỉ bán được hơn 1 tạ lợn mỗi ngày.
Các sạp thịt vẫn đầy ắp ngoài chợ dù đã 7 giờ tối. Ảnh chụp tại chợ Giáp Bát |
Nhân viên quầy thịt siêu thị Vinmart Tây Mỗ cho biết: Lượng thịt lợn nhập về hàng ngày hầu như tăng gấp đôi so với trước vẫn bán hết. Có những hôm siêu thị không còn hàng để bán phải giục các đối tác để nhập thịt về.
Tăng nhập thịt lợn vẫn có lúc khan hàng cũng xảy ra ở siêu thị Vinmart Nam Đô. Trong khi đó, đại diện siêu thị Coopmart Hà Đông tiết lộ lượng thịt mỗi ngày siêu thị này bán ra trong dịp này lên đến 70 tấn.
Lo ngại thịt ngoài thị trường không được kiểm soát, người tiêu dùng chuyển sang mua thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn dù giá ở đây đắt hơn từ 20-30% so với giá ngoài chợ (từ 119.000 đồng - 149.000 đồng/kg tùy từng loại thịt).
Một chủ trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ xuất lợn vào siêu thị tiết lộ: Giá cả không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, siêu thị siết kiểm dịch rất gắt, ngày nào thịt lên kệ cũng phải lấy mẫu test.
Khách mua thịt lợn ở siêu thị tăng mạnh khi đặt niềm tin vào việc kiểm dịch mỗi ngày tại đây. Ảnh chụp tại siêu thị Vinmart Nam Đô |
Theo dõi thị trường cho thấy, dường như có một đường ranh giới phân rõ khu vực chăn nuôi lợn tự do (hộ gia đình, trang trại nhỏ) và thị trường tự do (chợ) với khu vực chăn nuôi quy mô lớn (các trang trại lớn) và thị trường có kiểm soát (siêu thị) trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Một bên lợn nhiễm dịch, giá cả nhảy múa còn một bên dường như có một sự miễn nhiễm nhất định với dịch bệnh và vẫn bảo toàn được mức giá.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: "Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ và tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người".
Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chữ, ông chủ chuỗi thực phẩm sinh học Organic Green, đơn vị sở hữu 2 trại lợn với 4.000 con chăn nuôi theo hướng hữu cơ cho biết: “Chuỗi sản xuất giống như một bến cảng an bình giúp người chăn nuôi tránh sóng gió của dịch tả lợn châu Phi và rất nhiều các dịch bệnh khác trên lợn. Giữa lúc thị trường biến động thì các hoạt động trong chuỗi từ chăn nuôi, xuất chuồng... giá cả vẫn ổn định”.
Ông Chữ cũng cho biết thêm: "Đặc điểm của chuỗi sản xuất là hoạt động ổn định và có tính bền vững, dễ dàng ứng phó các thay đổi bất ngờ của thị trường. Cũng bởi vậy, nguồn cung của chuỗi ổn định và không thể tăng đột biến. Trong đợt này, nhu cầu đặt hàng chỗ tôi tăng lên 30% nhưng Organic Green vẫn phải từ chối bởi muốn tăng lượng thịt lợn phải đặt hàng trước từ 6 tháng".
Về kinh nghiệm giữ được đàn lợn trước nhiều dịch bệnh, ông Chữ chia sẻ bí kíp nằm ở 2 từ “vệ sinh” và “kiểm soát”. Trước khi có dịch, Organic Green đã áp dụng vệ sinh sát trùng chuồng trại ngày 1 lần, vệ sinh dụng cụ thú y, xử lý nguồn nước cho lợn uống và nước rửa chuồng; kiểm soát người ra vào trang trại và động vật vùng đệm. Khi có thông tin dịch bệnh trên lợn ở Việt Nam, các biện pháp vệ sinh và kiểm soát được siết chặt hơn. Cả phương tiện và con người ra ngoài vào trại đều phải sát trùng, cách ly. Thực phẩm trong trang trại được kiểm soát chủ động. Thậm chí Organic Green còn áp dụng các biện pháp ở các vùng đệm để ngăn chó mèo, chuột… vào trang trại, ngăn nguồn lây từ những động vật này.
5 KHÔNG để phòng chống dịch tả lợn châu Phi |
Ông Chữ cho rằng: “Đã chọn nghề chăn nuôi thì việc tham gia chuỗi là một tất yếu. Một người chăn nuôi đơn lẻ khó mà đương đầu được với sóng gió thị trường, "đóng cửa" thì khó mà "lớn" được.”
Ông cũng giải thích thêm: Người chăn nuôi muốn tăng thu nhập phải từng bước tăng đàn, tăng quy mô. Khi đó, họ sẽ phải đối mặt với áp lực về vốn, về thị trường, nguy cơ gặp dịch bệnh dẫn đến trắng tay cũng lớn hơn rất nhiều lần. Chọn tham gia chuỗi, đầu tư ban đầu có cao hơn nhưng họ được đơn vị đứng đầu chuỗi hỗ trợ từ vốn đến kĩ thuật, đến đầu ra, giảm được giá thành chăn nuôi và nguồn thu ổn định. Chăn nuôi theo chuỗi có sức miễn nhiễm nhất định với các dịch bệnh trên lợn và đặc biệt giá cả không bị ảnh hưởng quá nhiều trước các biến động của ngành.
Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thị trường hiện nay phải hơn nhau ở chất lượng và tính bền vững. Thị trường có một cơn sốc lớn thì người chăn nuôi tự xem lại họ có nên nuôi lợn tiếp hay không. Theo đó, ai đầu tư nuôi đàng hoàng sẽ còn tồn tại và phát triển bền vững. Còn ai nuôi lợn theo phong trào hay sinh kế, nuôi không theo quy trình thì từ từ cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững là tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, mới hạn chế được nguy cơ dịch bệnh, lại chủ động được khâu tiêu thụ, không cần chờ nhà nước 'giải cứu".
Còn ông Nguyễn Văn Chữ chia sẻ thêm, Organic Green và một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn theo chuỗi trong nước sẵn sàng thành đầu tàu hướng dẫn cho các trang trại, người chăn nuôi tự do tham gia chuỗi sản xuất bền vững khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần vào việc phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam.
Nhằm cung cấp cho người dân bức tranh toàn cảnh về dịch tả lợn châu Phi, báo Tuổi trẻ Thủ đô rất mong nhận được sự hỗ trợ thông tin từ các đơn vị chăn nuôi lớn trên cả nước như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực liên hệ với phòng truyền thông của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam qua điện thoại, email của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đến nay đều chưa nhận được phản hồi.