Bài 4: Gạn đục khơi trong
Những “cam kết mềm”
Hiện nay, Hà Nội có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Thực tế, có những vấn đề nảy sinh trong đời sống mà pháp luật chưa thể bao trùm, điều chỉnh nhưng hương ước, quy ước làng xã lại làm được.
Điển hình như việc triển khai việc tang văn minh của huyện Đông Anh có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng. Chúng ta đều biết rằng, các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống nhưng hương ước, quy ước đã làm được điều này.
Phong trào thể thao, nâng cao sức khỏe và tình đoàn kết tại thôn Trê (Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) |
Xã Tuy Lai là xã thuần nông thuộc huyện Mỹ Đức Thành phố Hà Nội với 14 thôn. Thôn Trê thuộc phía bắc của xã Tuy Lai. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Cùng với quá trình hình thành và phát triển làng, xã, làng Trê từ lâu đã có quy ước riêng.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và để phù hợp với cuộc sống hội nhập, trong những năm gần đây quy ước, hương ước làng Trê xã Tuy Lai huyện Mỹ Đức được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp theo tinh thần hướng dẫn của cấp trên thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư.
Ông Bùi Văn Hải - Trưởng thôn Trê vui mừng cho biết: “Chính điều đó đã phát huy vai trò tự quản, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp. Đồng thời hạn chế, loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng làng xã.
Trong đó phong trào khuyến học, khuyến tài của thôn Trê được đưa vào bản quy ước để tiếp tục duy trì và phát huy trở thành thông lệ, truyền thống của làng; qua đó kịp thời khen thưởng, động viên các cháu có thành tích cao trong học tập hàng năm.
Sản phẩm mây tre đan truyền thống của người dân thôn Trê |
Quy ước cũng đưa thêm vào nội dung chọn ngày chủ nhật trong khoảng thời gian từ 15 - 20/2 âm lịch hàng năm khi công việc cấy hái, trồng cây vụ xuân đã cơ bản xong xuôi, các xóm trong làng tổ chức liên hoan và giao lưu văn hóa văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian giải trí, thắt chặt tình làng nghĩa xóm sau những ngày lao động vất vả…
“Bên cạnh đó, quy ước làng chúng tôi cũng nghiêm cấm việc lợi dụng liên hoan, giao lưu các hoạt động văn hóa thể thao để tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Bùi Văn Hải nhấn mạnh.
Tại huyện Thanh Oai trong những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn các huyện đã từng bước đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Nội dung của hương ước, quy ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong Nhân dân, duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thực hiện chính sách dân số, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội.
Con đường bích họa ở thôn Quảng Minh xã Mỹ Hưng huyện Thanh Oai |
Hương ước, quy ước văn hóa có vai trò là bộ phận hỗ trợ đắc lực pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư đối với những vấn đề và nội dung mà pháp luật không điều chỉnh; đồng thời còn là công cụ thực hiện mở rộng, phát huy dân chủ ở cơ sở, giúp Nhân dân trong tiến trình giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Các hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung những năm gần đây đã lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy tắc ứng xử và chặt chẽ hơn trong quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử khi có dịch bệnh nguy hiểm; ứng xử trên môi trường mạng… phù hợp với tình hình và quy định mới.
Người dân chung tay làm đẹp cảnh quan thôn Minh Kha, xã Bình Minh (Thanh Oai) |
Nhờ việc quan tâm xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, mà tại các thôn, làng không chỉ đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, mà các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng sôi nổi hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm bền chặt.
Duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã
Việc xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư và hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ.
Nét đẹp làng cổ Yên Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) |
Điều quan trọng là, hương ước, quy ước tích cực góp phần bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội ở địa phương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ; nâng cao ý thức bảo vệ các di tích, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của Nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Ông Bùi Văn An - Trưởng thôn Mạch Tràng (Cổ Loa, Đông Anh) cho biết người dân tại đây chấp hành nghiêm chỉnh quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa quy định: "Luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng".
Hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã, giúp hạn chế, đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh. Khi hương ước, quy ước đi vào cuộc sống, ý thức của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa.
Hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã tại Mạch Tràng (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) |
Các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống, nhưng khi nội dung về tang văn minh được đưa vào trong hương ước, quy ước thì người dân lại nghiêm túc thực hiện.
Bởi những quy định đó trước tiên đã được đa số người dân thông qua, tiếp đó là do hình thức vận động, tuyên truyền mềm dẻo của chính quyền thôn, xã đã có tác động tích cực tới các gia đình, vì vậy tỷ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng của thôn trong nhiều năm liền đạt tỷ lệ 100%.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng thôn Trần Đăng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tự hào kể về tác dụng tốt đẹp trong hương ước của thôn đó là xây dựng có điều khoản trong công tác thực hiện lễ hội truyền thống hàng năm. Tại thôn Trần Đăng năm nào cũng diễn ra lễ hội vào dịp đầu xuân trong 3 ngày 5, 6, 7 Tết Nguyên đán với tinh thần cùng diễn ra giao lưu thần, giao lưu giữa hai thôn khác huyện đó Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) và Cao Lãm (xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa).
Hương ước góp phần gìn giữ nếp làng đậm nét truyền thống tại thôn Trần Đăng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) |
Khi lễ hội diễn ra có tới hàng ngàn người tham gia do vậy công tác chỉ đạo và thực hiện phải đúng với các điều khoản của hương ước trên nền tảng thực hiện đúng pháp luật mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bãi bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, thực hiện thật trang nghiêm việc gọi người đến từ đơn vị khác là anh và mình khiêm tốn nhận là em để tỏ lòng tôn trọng nhau.
Để công tác tổ chức lễ hội được thành công, thôn nhà đã thực hiện các quy trình rất sớm ngay từ tháng 8 năm trước ban duy trì hương ước thống nhất với cấp ủy chi bộ đã gửi tờ trình và xây dựng kế hoạch tới UBND xã xin ý kiến chỉ đạo và cho phép thôn mở lễ hội truyền thống đồng thời xã đã chỉ đạo từ xã tới thôn, các ban ngành đoàn thể đều thực hiện trong công tác lễ hội.
Lễ hội thôn Trần Đăng (Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) |
Tại quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều khu, xóm, phố, đơn vị xã phường xây dựng quy ước, hương ước và phát huy được hiệu quả, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, khối phố ngày càng được gắn bó, các hủ tục lạc hậu gần được bài trừ.
(Còn nữa)