Bài 4: Phát triển thế hệ đảng viên mới có sức trẻ, tri thức
Phát triển thế hệ đảng viên mới có sức trẻ, tinh thần cống hiến
|
Trách nhiệm và thử thách
Trở lại câu chuyện mục tiêu vào Đảng của sinh viên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc vào Đảng với mong muốn có công việc tốt hơn không hoàn toàn là sai, vấn đề là phải có sự theo sát của cấp uỷ và Đoàn Thanh niên để các mục tiêu không bị sa đà, lệch lạc… từ đó, đảm bảo phát triển được thế hệ đảng viên mới có sức trẻ, tri thức và tinh thần cống hiến mới cho Đảng…
Khi đã xác định được động cơ và mục đích vào Đảng đúng đắn, việc vào Đảng sẽ trở thành một hành trình ý nghĩa và đáng tự hào |
Theo TS Ngô Bá Khiêm (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh): Tư tưởng của thanh niên đang tác động đến sự phát triển của xã hội, nếu không lắng nghe tiếng nói của thanh niên thì không thể nào lường trước được các nguy cơ.
Với động cơ vào Đảng để có được việc làm tốt hơn, ông Khiêm cho rằng, đây là một động cơ hoàn toàn đúng. Do vậy, cần gieo vào trong sinh viên tư tưởng “vào Đảng để có việc làm tốt hơn”.
“Vào Đảng có một loạt các quy định, ngoài ra còn có cả quá trình để các em rèn luyện, trải nghiệm. Đây chính là “giá trị” đầu tiên mà người đảng viên đạt được và có thể được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận và có được cơ hội công việc tốt hơn”, TS Ngô Bá Khiêm nêu quan điểm.
Ông Khiêm cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giáo dục để các sinh viên thấm nhuần tư tưởng vào Đảng để rèn luyện, cống hiến và khi xác định bước chân vào hàng ngũ của Đảng là sẽ phải chấp nhận khó khăn, thử thách.
Còn theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, động cơ vào Đảng để có việc làm tốt là động cơ thứ cấp, mang tính thời điểm nhất định, không phải là động cơ xuyên suốt trong quá trình phát triển của đảng viên. Động cơ xuyên suốt phải là có lập trường tư tưởng đúng đắn, tâm thế phụng sự cho sự phát triển của Đảng và đất nước.
Đảng viên sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyên thệ trước cờ đảng và chân dung Bác Hồ |
Từ góc độ sinh viên, Lường Thị Thanh, sinh viên năm 3 chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Quan điểm này là một suy nghĩ không sai hoàn toàn, nhưng cần phải hiểu một cách đúng đắn.
Việc “tiến thân” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa là có cơ hội thăng tiến trong công việc, thì đây là một mục tiêu hoàn toàn chính đáng. Trở thành đảng viên không chỉ là một bước đệm để thăng tiến trong sự nghiệp mà còn là cơ hội để được cống hiến cho đất nước, xã hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ coi việc vào Đảng như một “bước đệm” để đạt được mục tiêu cá nhân mà không quan tâm đến trách nhiệm của một đảng viên thì đó là một quan niệm sai lầm. Nếu quá chú trọng vào việc “tiến thân”, các bạn trẻ có thể dễ bị cuốn vào những toan tính cá nhân, làm mất đi lý tưởng cách mạng, quên đi trách nhiệm lớn lao của một đảng viên, dễ bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất, từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín và tổ chức Đảng.
“Việc vào Đảng là quyết định quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Bên cạnh những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, việc trở thành đảng viên còn mang đến nhiều trách nhiệm và thử thách. Các bạn sinh viên cần có cái nhìn đa chiều, không chỉ tập trung vào những lợi ích cá nhân mà còn phải quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước. Khi đã xác định được động cơ và mục đích vào Đảng đúng đắn, việc vào Đảng sẽ trở thành một hành trình ý nghĩa và đáng tự hào”- sinh viên Lường Thị Thanh bày tỏ quan điểm.
Tăng cường vai trò của cấp uỷ và tổ chức Đoàn
TS Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH-CĐ Hà Nội |
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học - Cao đẳng Hà Nội, công tác kết nạp Đảng trong sinh viên có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng, phát triển một thế hệ đảng viên mới vừa có sức trẻ, vừa có trí thức, có khát vọng cống hiến vươn lên trong thời đại mớ
Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong sinh viên còn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều thách thức khó khăn, nhất là trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Nhà nước thu hẹp lại, thành phần kinh tế tư nhân phát triển…
Trong khi đó, thách thức đặt ra cho các trường Đại học hiện nay cũng không nhỏ trước những cạnh tranh về nguồn nhân lực dẫn đến “nặng chuyên môn, nhẹ xây dựng Đảng”. Quá trình đổi mới giáo dục cũng đặt ra những thách thức mới. Bối cảnh mới cũng khiến sinh viên ra trường cùng đối mặt với những khó khăn về việc làm, mưu sinh.
Về chủ quan, nhiều cấp uỷ không quan tâm, không có định hướng phát triển Đảng. Công tác giáo dục rèn luyện chưa đi vào thực chất. Các hoạt động Đoàn, Hội chưa có nhiều đổi mới…
Về giải pháp, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu trong công tác phát triển Đảng tại các trường Đại học, nhất là những đồng chí cấp uỷ phụ trách thanh niên cần khai thông nhận thức về việc công tác phát triển Đảng, công tác xây dựng Đảng sẽ tạo ra sự đoàn kết, dẫn dắt để đưa nhà trường phát triển. Trên cơ sở đó, xây dựng các nghị quyết, kế hoạch để phát triển Đảng. Đồng thời, chăm lo làm tốt công tác Đoàn và xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có đủ phẩm chất kỹ năng, có khả năng tổ chức các hoạt động phong trào, có uy tín trong thanh niên, sinh viên…
Một yêu cầu được TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh là đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục. “Tôi cho rằng vào Đảng để có công việc tốt cũng là một động cơ, tuy nhiên, công tác giáo dục là cả quá trình. Hôm nay các em có động cơ vào đảng để có việc làm thì chúng ta cần tiếp tục bồi dưỡng các em, để các em nhận thức sâu sắc hơn về công tác lý luận. Nền tảng vẫn là nền tảng lý luận nhưng chúng ta phải chú trọng thêm chăm lo quyền lợi cho các em”- TS Nguyễn Thanh Sơn nói.
Phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu trong công tác phát triển Đảng tại các trường Đại học |
Chung quan điểm về công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên, anh Phan Anh Tuấn, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, phát triển đảng trong sinh viên cần phải để ý đến 3 yếu tố: Kết nạp mới quần chúng ưu tú; chuyển đảng chính thức và duy trì nguồn đảng viên. Trong đó, việc duy trì nguồn đảng viên đóng vai trò quan trọng bởi trong quá trình phấn đấu người đảng viên sẽ chịu sự tác động của gia đình hoặc các yếu tố khác, luôn cần có sự trao đổi, lý giải để các sinh viên hiểu rằng đó chỉ là những tác động tức thời đối với người đảng viên.
Muốn vậy, cấp uỷ chi bộ phải bám rất sát các hồ sơ, đặt ra các tình huống của quần chúng phát triển đảng. Quan trọng nhất là tuyên truyền để các sinh viên, quần chúng thấy rằng khi trở thành một đảng viên, thành viên của tổ chức, sẽ có rất nhiều lợi thế, được cống hiến, tự hào, tương lai cũng có nhiều thuận lợi. Điều này sẽ giúp các sinh viên có ý chí, nguyện vọng và động lực vượt qua những khó khăn, thách thức nhất định.
Từ cương vị một Bí thư Đoàn khoa, Nguyễn Tuấn Long (sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), Bí thư Đoàn khoa Giáo dục chính trị chia sẻ: Phát triển Đảng trong sinh viên hiện nay còn nhiều khó khăn. Trong đó có thực trạng học sinh THPT được chuyển lên chất lượng chưa đạt, có trường hợp sau khi vào Đại học, chất lượng học tập không cao, hoạt động phong trào không năng nổ, không thể hiện được tư tưởng chính trị để có thể chuyển đảng chính thức. Ngoài ra, khi bước vào Đại học với việc học theo tính chỉ, một số bạn sinh viên cũng có sự thay đổi nhận thức chính trị và vơi dần tinh thần, nhiệt huyết của người đảng viên.
“Vào năm nhất tư tưởng sinh viên rất tốt, rất nhiệt huyết tham gia các phong trào, tuy nhiên bước vào năm hai, khi bắt đầu tiếp cận cơ hội nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng bản thân, thì đã có sự vơi dần tư tưởng chính trị. Đây là vấn đề cần quan tâm trong công tác phát triển đảng trong sinh viên”- Tuấn Long chia sẻ.
Có thể khẳng định, phát triển Đảng trong sinh viên không khó, vấn đề là cần đổi mới từ nhiều góc độ về quan điểm, tầm nhìn, cách thức thực hiện để góp phần định hướng sinh viên vào Đảng đạt kết quả toàn diện cả về số lượng và chất lượng; đáp ứng những yêu cầu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.