Bâng khuâng giếng làng (*)
Thắc thỏm xuân Lời tâm sự chân tình Nơi ấy làng Chùa Câu thơ đi qua một phận người Hạnh phúc từ gian truân |
Cây đa, giếng nước, mái đình - những hình ảnh ấy đã đi vào tiềm thức của người dân, trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã.
Theo thời gian, những nét đẹp đặc trưng ấy cùng với cổng làng, ao làng, giếng làng và những cây cổ thụ ở nhiều làng quê bị lãng quên, dần nhường chỗ cho cuộc sống hiện đại. Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất nhiều giếng làng đã được người dân chú trọng khôi phục, sửa chữa và lưu giữ.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài thơ Bâng khuâng giếng làng của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh!
BÂNG KHUÂNG GIẾNG LÀNG (*)
Tặng GS Tạ Ngọc Tấn
Nguyễn Hồng Vinh
Giếng làng đâu còn nữa
Nay chìm sâu dưới đường
Cả làng dùng nước máy
Mà sao lòng bâng khuâng?!
Quên sao những đêm trăng
Hai ta cùng múc nước
Trăng chìm sâu đáy giếng
Gương mặt em - vì sao
Chiến hào rung đạn bom
Tấm hình liều thuốc sống:
Anh cùng em bên giếng
Buổi tiễn anh lên đường…
Ngày trở về thăm làng
Ngẩn ngơ không thấy giếng
Em cũng đi xa vời
Cõi lòng anh trống vắng!
Anh trở lại giảng đường
Được ra đề thi viết
Tuyển sinh viên ngành văn:
“Hãy nói về làng em”
Ơi, cái giếng trong anh
Đã là phần máu thịt
Gợi nhớ thương bồi hồi
Bao năm tim rộn nhịp!
Và bài văn năm ấy,
Nữ sinh đạt thủ khoa
Cái giếng làng thuở trước
Đã thành bản tình ca!...
Xuân Giáp Thìn 2024
(*) Nhân đọc bài Giếng làng của Tạ Ngọc Tấn trong Chuyên san của Tạp chí Cộng sản - Tết Giáp Thìn.