Bình Dương đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông vận tải
Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông thông minh, hiện đại
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Bình Dương đang tích cực đón đầu xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và tập trung nâng cấp hệ thống giao thông theo hướng đô thị hóa; trong đó, phát triển hạ tầng giao thông không chỉ đem lại thời cơ, tầm nhìn kinh tế mà còn giúp cho nhu cầu đi lại, mua bán, trao đổi của người dân được thuận tiện và dễ dàng hơn.
Hạ tầng giao thông từng bước tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương (Ảnh: Nhật Nam) |
Trong nhiều năm qua, Bình Dương đẩy mạnh việc chú trọng đầu tư và quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông như: mở rộng các tuyến đường chủ lực kết nối đến khu kinh tế trọng điểm, liên kết các khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm logistics nhằm tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra các phương án để thúc đẩy xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông và nhiều công trình trọng điểm quan trọng.
Trong đó, về phương án phát triển hạ tầng giao thông tuyến đường bộ cấp tỉnh dự kiến đến năm 2030 có 43 tuyến đường tỉnh, gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới, cụ thể:
Đối với 16 tuyến đường tỉnh hiện hữu, tỉnh đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Đối với 27 tuyến đường tỉnh bổ sung mới, tỉnh điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các phương án về mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 được tỉnh chú trọng nghiên cứu xây dựng và bổ sung tuyến Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh.
Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai các phương án phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa trên các sông (Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính). Tất cả có 18 cảng, hệ thống cảng, bến thủy nội địa.
Các hệ thống cảng cạn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (gồm: cảng cạn An Sơn, cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần), cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An, cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Tân Uyên, cụm cảng cạn Bến Cát (cảng cạn An Điền, cảng cạn An Tây, cảng cạn Rạch Bắp), cảng cạn Thạnh An).
Tiếp theo là hệ thống sân bay sẽ được bố trí quỹ đất dự trữ nghiên cứu xem xét, đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế với quy mô khoảng 200ha-500ha.
Dự kiến đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông theo các quy hoạch ngành, quốc gia đã được phê duyệt. Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các hạng mục đường trên cao và các nút giao liên thông huyết mạch quan trọng theo trục Bắc - Nam, vành đai Đông – Tây.
Hạ tầng giao thông tạo đột phá
Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá, tỉnh Bình Dương đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai nhằm kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển.
Điển hình như một số dự án quan trọng không thể không nhắc đến là tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng. Đây chính là tuyến đường chiến lược kết nối giữa khu vực Bình Dương với các tỉnh thành khác, bao gồm TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tuyến đường sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp của Bình Dương đến cảng biển và sân bay quốc tế.
Nhằm giảm ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tỉnh đang nỗ lực triển khai tiến độ một số công trình khác như: Dự án mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 lên 8 làn xe ở đoạn qua Bình Dương.
Dự án tuyến Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang giai đoạn nghiên cứu và triển khai |
Dự án tuyến Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang trong quá trình nghiên cứu và triển khai. Đây được xem như là tuyến đường huyết mạch nối liền TP Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và giao thương cho khu vực.
Các công trình sắp triển khai dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới: Đường sắt đô thị (Metro) số 1 nối dài từ TP Hồ Chí Minh đến Dĩ An, Bình Dương, đường Vành đai 4, Cao tốc Gò Dầu - Tây Ninh - Bình Dương…