Cách chọn bánh Trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm
Hà Nội: Phát hiện và tạm giữ hơn 4500 chiếc bánh Trung thu nhập lậu Bánh Trung thu handmade: Đến hẹn lại... lo Hà Nội: Bắt đầu thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu |
Cảnh giác với các loại bánh nhập lậu
Tết Trung thu đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng cao đột biến. Nhiều cơ sở bánh kẹo có tiếng trên thị trường đồng loạt cho ra mắt mẫu bánh từ bình dân đến cao cấp với tên gọi độc đáo, mẫu mã đa dạng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa là hơn 4.500 bánh Trung thu Bibizan không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc |
Theo khảo sát của phóng viên, tại tất cả các tuyến phố ở Hà Nội, đâu đâu cũng mọc lên những gian hàng bánh Trung thu của các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương…
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh Trung thu nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Ngay những ngày đầu triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ trên 4.500 chiếc bánh Trung thu nhập lậu. Sự việc đã dấy lên nỗi lo về chất lượng bánh Trung thu.
Theo nhận định của đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao nên vào dịp Tết Trung thu đều xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Cùng với các cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất theo quy định, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu không tuân thủ quy định. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Cách lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong lưu ý, người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu cần trang bị cho mình kiến thức để bảo đảm sử dụng bánh an toàn nhất.
Người tiêu dùng nên chọn lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm |
Cụ thể, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, gồm: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Sản phẩm không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể sử dụng cảm quan để đánh giá và chọn sản phẩm bảo đảm. Hiện nay, trên thị trường đang bán chủ yếu 2 loại bánh Trung thu là bánh nướng và bánh dẻo. Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bánh nướng ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Người tiêu dùng nên chọn mua bánh nướng có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ; Tránh chọn bánh quá bóng vì đó là biểu hiện bánh để đã lâu. Còn với bánh dẻo, người tiêu dùng nên chọn bánh hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh. Khi ấn vào bánh cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, nhão.
Cùng với việc lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn thì cách bảo quản và sử dụng bánh Trung thu cũng rất quan trọng. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, cần bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập. Người tiêu dùng chỉ nên ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.