Ngộ độc thực phẩm - Ám ảnh mùa du lịch
Thủ tướng yêu cầu tăng cường ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm Ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm Đình chỉ bếp ăn liên quan vụ 350 công nhân ngộ độc thực phẩm |
Ôm bụng cả kỳ nghỉ
Chị Nguyễn Lan Hương (35 tuổi, trú tại Hà Nội) vừa có một kỳ nghỉ du lịch huyện ngoại thành Hà Nội. Chị cho biết đây là chuyến đi đầy ám ảnh vì bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải đồ ăn không đảm bảo.
Theo chia sẻ của chị Hương, chuyến du lịch cuối tuần chị cùng gia đình đã thưởng thức nhiều món ăn ngon tại các địa phương. Ngay ngày thứ nhất, sau khi ăn tối cùng bạn bè tại một quán ốc ven đường, chị có dấu hiệu bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
“Tình trạng của tôi ngày càng trở nên nghiêm trọng, không chỉ đau bụng, đầu óc tôi choáng váng, quay cuồng. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, tôi đang khỏe mạnh chuyển sang trạng thái người mệt lả đi, đến độ muốn đứng dậy đi cũng không được. Thấy tôi gục xuống bàn ăn, bạn bè vội vàng gọi xe đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ngộ độc thực phẩm do ăn món ốc không đảm bảo vệ sinh” – Chị Hương kể.
Hàng quán bán rong kể cả ở những nơi đang sửa đường, ngõ phố rất chật hẹp tiềm ẩn có nguy cơ rất cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm |
Mùa du lịch đến, do lượng khách tăng đột biến, nhiều cơ sở không thể đáp ứng kịp, dẫn đến việc chế biến thực phẩm vội vàng, không đảm bảo vệ sinh. Việc bảo quản thực phẩm không đúng nhiệt độ, thời gian quy định cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Chuyến đi chơi...ác mộng
Chị Nguyễn Mai Anh (30 tuổi, Hà Nội) kể về “chuyến đi ám ảnh bởi chiếc bánh mỳ kẹp”: Năm 2023, tôi có chuyến du lịch Nha Trang cùng gia đình. Lúc đầu, mọi thứ diễn ra rất vui vẻ và suôn sẻ. Chúng tôi được đắm chìm trong vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thưởng thức những món ăn ngon và tham gia nhiều hoạt động thú vị. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chuyến đi của gia đình tôi bỗng chốc biến thành “ác mộng” bởi tai nạn ngộ độc thực phẩm do ăn phải chiếc bánh mì kẹp thịt gà ven đường.
Vào buổi chiều ngày thứ hai, sau khi tham quan một vài địa điểm nổi tiếng, cả nhà tôi cảm thấy đói bụng. Do vội vàng di chuyển đến địa điểm tiếp theo, chúng tôi quyết định ghé vào một quán ven đường để mua bánh mì kẹp thịt gà lót dạ. Quán nhỏ, đông khách, nhưng nhìn có vẻ sạch sẽ, tôi cũng không quá lo lắng.
Mỗi người chúng tôi mua một chiếc bánh mì. Vừa ăn xong được khoảng nửa chiếc tôi đã cảm thấy có gì đó không ổn. Thịt gà dai, có mùi vị khác thường. Chưa kịp ăn hết chiếc bánh, tôi đã thấy buồn nôn. Nhìn sang các thành viên gia đình, tôi cũng có biểu hiện tương tự.
Cả nhà vội vã đến bệnh viện gần nhất. Sau khi khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chúng tôi bị ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Trong suốt chuyến đi nghỉ, cả nhà phải truyền dịch, tiêm thuốc và nằm viện.
Đừng để vừa đi chơi…vừa lo
“Chuyến du lịch Nha Trang đáng nhớ của gia đình tôi bỗng chốc tan vỡ. Kế hoạch vui chơi, khám phá bị hủy bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, chúng tôi phải dành thời gian nằm viện, chịu đựng những cơn đau bụng, buồn nôn và lo lắng về sức khỏe. Sự việc này khiến tôi cảm thấy vô cùng hối hận vì đã chủ quan, thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn thức ăn. Bài học đắt giá này sẽ nhắc nhở tôi luôn phải đề cao cảnh giác, đặc biệt là khi đi du lịch, ăn uống ở những nơi xa lạ” – Chị Mai Anh nói.
An toàn thực phẩm để những chuyến du lịch thực sự ý nghĩa và đáng nhớ |
Theo các chuyên gia về sức khỏe: Du khách bị ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Mất nước và rối loạn điện giải. Mất nước có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, chuột rút, thậm chí dẫn đến hôn mê và tử vong. Rối loạn điện giải do mất nước và tiêu chảy có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, cơ bắp và hệ thần kinh.
Một số vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể xâm nhập vào máu, gây ra nhiễm trùng huyết, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhiễm trùng do vi khuẩn Salmonella có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré, một bệnh lý thần kinh nghiêm trọng có thể dẫn đến liệt. Nhiễm trùng do vi khuẩn E. coli có thể gây ra suy thận, đặc biệt ở trẻ em.
Các chuyên gia cũng cho rằng: Phát triển du lịch an toàn đồng nghĩa với việc phải nâng cao ý thức trách nhiệm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách. Các nhà hàng tuân thủ theo quy định về an toàn thực phẩm: chọn mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ chất lượng trước khi sử dụng; nhân viên phải rửa tay sạch sẽ trước chế biến thực phẩm; bảo quản thực phẩm đúng nhiệt độ, thời gian quy định…
Tuy nhiên, họ cũng khuyến cáo: Quan trọng nhất đối với những cơ sở chế biến và bán đồ ăn uống vẫn là ý thức, đạo đức, lương tâm của người bán đối với khách hàng.
Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội chính là nền tảng cốt lõi cho hoạt động của các cơ sở chế biến và bán đồ ăn uống. Ăn uống đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe con người, do đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu. Người bán hàng có tâm là người luôn đặt lợi ích sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu, thể hiện qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo chất lượng và chế biến thực phẩm một cách cẩn thận, tỉ mỉ.