Bánh Trung thu handmade: Đến hẹn lại... lo
Ra quân kiểm soát thị trường bánh Trung thu Hà Nội: Phát hiện và tạm giữ hơn 4500 chiếc bánh Trung thu nhập lậu Những mẹo bảo quản bánh Trung thu không bị mốc |
Nắm tâm lý của người dân muốn thưởng thức bánh sớm, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo thời điểm này đã rất nhiều các quảng cáo về bánh Trung thu với thương hiệu “bánh nhà tự làm”, “không chất bảo quản, không chất phụ gia”, “gia truyền lâu đời”...
Đa dạng các loại bánh trung thu handmade giá cả phù hợp với người tiêu dùng được quảng cáo trên facebook |
Chỉ cần 1 click chuột, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng liên hệ người bán bánh hoặc thậm chí là cơ sở chuyên sỉ lẻ bánh Trung thu với các sản phẩm bánh phổ biến như: Đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, thập cẩm... giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng tùy mỗi loại, có thể để được từ 25 - 30 ngày. Năm nay, nhiều mẫu bánh mới được giới thiệu tới khách hàng như: Bánh dẻo lạnh, bánh nướng trứng muối, bánh nướng mật ong, nướng cà phê rum nho… có giá "nhỉnh" hơn khoảng 40.000 - 50.000 đồng.
Chủ các cơ sở sản xuất đều khá tự tin quảng cáo đã bán tấp nập từ cả tháng nay, với hơn 100 khuôn mẫu mã đa dạng, về chất lượng thì "không phải lo nghĩ" bởi cơ sở thường xuyên có đơn hàng trăm chiếc. Khiêm tốn hơn, nhiều sản phẩm được quảng cáo độ ngọt vừa phải, không chất bảo quản và có thể để được tới 45 ngày.
Cùng với thị trường bánh handmade, thời điểm này, có rất nhiều người dân mua nguyên liệu làm bánh Trung thu. Tại các chợ, nguyên liệu làm bánh Trung thu khá phong phú, từ nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo, bánh nướng tới làm nhân bánh như mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen... đến các loại nước đường, nước hoa bưởi, hương trà ... Tuy nhiên, theo bật mí của nhiều tiểu thương thì chủ yếu chất liệu nhân, vỏ toàn là bột sắn được kết hợp với hương liệu tạo nên những mùi đặc trưng của các loại bánh nổi tiếng.
Ngày càng nhiều người dân có xu hướng làm, mua bánh trung thu handmade |
Tại các khu chợ dân sinh này hiện cũng đã và đang bày bán nhiều sản phẩm bánh Trung thu. Các sản phẩm này thường không có nhãn mác, đóng gói sơ sài và được quảng cáo là bánh gia truyền làm thủ công nên mẫu mã không đẹp. Tuy nhiên, do giá thành rẻ (khoảng 15 nghìn đồng/bánh) nên vẫn hút khách dù lượng người mua không quá đông.
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết, những loại nhân bánh, nguyên liệu ẩn chứa rất nhiều nguy cơ khôn lường tới sức khoẻ người tiêu dùng khi không được đảm bảo về chất lượng cũng như hạn sử dụng.
“Nguyên liệu làm bánh nói riêng và thực phẩm nói chung khi bị mốc, hỏng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Thực phẩm đã hỏng và sinh ra các loại nấm mốc sẽ mang theo chất độc, nếu cố tình sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt trong nấm mốc có chứa độc tố aflatoxin, khi đi vào cơ thể sẽ có thể gây bệnh ung thư cho người sử dụng", PGS TS Trần Hồng Côn phân tích.
Bánh trung thu handmade không thương hiệu nhưng hút khách nhờ mẫu mã mới, độc đáo |
Còn theo TS. Trần Văn Hữu - chuyên gia về an toàn thực phẩm, cách chế biến bánh Trung thu chất lượng không đảm bảo sẽ mang đến những nguy cơ nhất định cho sức khỏe. Nhất là các loại bánh có thêm mùi hương từ bột trà xanh. Mà hầu hết bánh thủ công đều có bột trà xanh. Đối với loại bột trà xanh không rõ nguồn gốc, không loại trừ khả năng đó là hóa chất công nghiệp.
Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Nó tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, trong một số hương liệu còn chứa chất tẩy, nhiều hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất oxy hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Đây còn là một chất gây độc, có khả năng gây viêm niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh Trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Các chuyên gia khuyến cáo, khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh Trung Thu thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm; Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối người tiêu dùng không nên mua.
Khi chọn bánh, người dân cần phải xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân nên mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng.