“Cảm xúc tháng 10”- hội tụ tinh hoa, tôn vinh trọn vẹn Hà Nội
Đánh thức một tình yêu… Hà Nội Tứ tấu Bond sẽ mặc áo dài biểu diễn tại Hà Nội Ấn tượng đêm khai mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 |
Yêu Hà Nội hơn...
Nhiều khán giả bày tỏ, cảm thấy yêu Hà Nội hơn sau khi thưởng thức chương trình, bởi với sự chọn lựa tài hoa của Ban Tổ chức, từ trong kho tàng ca khúc về Hà Nội đã chắt lọc nên những bài hát khắc họa khái quát mà tinh tế quá khứ hào hùng, vẻ đẹp của Hà Nội.
Chương trình ca nhạc đặc biệt “Cảm xúc tháng 10” do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Vietnamshow - Vàng Son Một Thuở; TS - NSND Đỗ Quốc Hưng Chỉ đạo nghệ thuật; Tổng đạo diễn là TS - NSƯT Tân Nhàn; Giám đốc âm nhạc NS Sơn Thạch; Đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Giang.
Tham gia biểu diễn trong chương trình là các nghệ sĩ ngôi sao của nền âm nhạc nước nhà, đồng thời là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nối tiếp các thế hệ: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Lan Anh, NSƯT Tân Nhàn, NSƯT Phương Nga cùng đông đảo các nghệ sĩ - ca sĩ: NSƯT Phương Uyên, Anh Thơ, Quang Hà, Tuấn Anh, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng.
Bên cạnh đó là các ca sĩ Đào Nguyên Vũ, Ngọc Định, Khánh Ly, Quang Tú, Hương Ly, Hương Diệp, Mạnh Hoạch, Huyền Trang, Hà Quỳnh Như, Thùy Linh, Thảo Nhi, Rapper Mezzo; Pianist NSƯT Trịnh Minh Trang và Bùi Đăng Khánh; Saxophone Hoàng Tùng, Duy Mạnh.
"Cảm xúc tháng 10" là chương trình quan trọng, được đầu tư lớn của Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chào mừng 68 năm và hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (1956 - 2024). Chương trình cũng là sự tiếp nối truyền thống của Khoa Thanh nhạc, thực hiện những đêm nhạc lớn phục vụ khán giả yêu nghệ thuật, với mục tiêu đưa khán giả tiếp cận với môi trường âm nhạc đỉnh cao của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Có lẽ, mùa thu năm nào với tiết trời se lạnh gió heo may, vẻ đẹp lãng mạn của Hà Nội cũng nhắc nhớ và khiến người ta muốn ngân lên giai điệu những ca khúc quen thuộc về Hà Nội. “Cảm xúc tháng 10” năm nay sẽ có thêm những dư vị khác, khi chương trình được tổ chức đúng dịp đặc biệt như vậy. Xuyên suốt chương trình, khán giả được cùng Hà Nội đi qua bao thăng trầm, đắm chìm vào khung cảnh Hà Nội mỗi thời kỳ lại có một vẻ đẹp riêng đáng nhớ qua 4 chương: "Thăng Long Hà Nội", "Hà Nội ngày tháng cũ", "Hà Nội những mùa nhớ" và "Khúc hát người Hà Nội".
Hà Nội một thời hoa lửa
Chương mở đầu Thăng Long - Hà Nội là những bản nhạc hào hùng của Hà Nội một thời hoa lửa, Hà Nội của những ngày còn kháng chiến sục sôi.
NSƯT Lan Anh |
Mở đầu là “Người Hà Nội” - một kiệt tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, qua phần thể hiện của NSƯT Lan Anh cùng ca sĩ Tuấn Anh. Ca khúc ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử lên con người và thành phố trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ca sĩ Lê Anh Dũng |
Tiếp đó là “Hà Nội linh thiêng hào hoa” (sáng tác: Lê Mây) qua phần thể hiện của ca sĩ Lê Anh Dũng; “Bài ca Hà Nội” (sáng tác: Vũ Thanh) qua phần biểu diễn của ca sĩ Tuấn Anh; “Tình yêu Hà Nội” (sáng tác: Hoàng Vân, biểu diễn Quang Tú); “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (sáng tác: Phan Nhân, biểu diễn NSND Quốc Hưng).
Những bản hùng ca đi cùng năm tháng về Hà Nội khiến khán giả cảm nhận được một Hà Nội đầy khí chất, trường tồn cùng thời gian, cùng với đó các nghệ sĩ cũng góp phần khắc họa một Hà Nội với hai vẻ đẹp không thể thiếu: hào hùng và hào hoa.
NSND Quốc Hưng |
Nhiều người không sinh ta ở Hà Nội nhưng cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào ai mà chẳng mến thương, yêu quý Hà Nội mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của Tổ quốc. Tình cảm thiết tha yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc giúp ta vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy để chiến thắng quân xâm lược, xây dựng Thủ đô đàng hoàng, to đẹp hơn như Bác Hồ luôn mong ước.
Chương 2 Hà Nội ngày tháng cũ khắc họa Hà Nội của một thời hòa bình, một Hà Nội xưa với những nét đẹp đặc trưng còn mãi trong tâm trí mỗi người dân Thủ đô. Khán giả được thưởng thức “Hà Nội ngày tháng cũ” (sáng tác: Song Ngọc) qua phần thể hiện của NSƯT Lan Anh; “Gửi người em gái” (sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh) qua phần thể hiện của Phúc Tiệp; “Chiều phủ Tây Hồ” (sáng tác: Phú Quang) qua phần thể hiện của NSƯT Tân Nhàn.
NSƯT Tân Nhàn |
Tiếp đó là các nhạc phẩm “Mơ về nơi xa lắm” (sáng tác: Phú Quang) qua phần biểu diễn của ca sĩ Ngọc Định cùng Pianist Bùi Đăng Khánh; “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” (sáng tác: Phú Quang) thể hiện NSƯT Phương Uyên; “Hà Nội 12 mùa hoa” (sáng tác: Giáng Son) song ca Khánh Ly - Hương Diệp.
Ở chương này, vẫn tiếp nối dòng chảy quá khứ, khán giả được chìm đắm vào một Hà Nội xưa dù còn gian khó nhưng thân thương, mộc mạc đơn sơ nhưng vẫn lãng mạn, xao xuyến vô cùng. Những sáng tác nổi bật về Hà Nội của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phú Quang… hội tụ ở chương này một lần nữa khắc ghi vào tâm trí khán giả về một Hà Nội trong ký ức nhưng luôn thân thương với bất kỳ ai, luôn khiến trái tim người ta rung động khi nhớ về.
Nghệ sĩ Phúc Tiệp |
Khán giả được thưởng thức giọng opera “vỡ loa” của nghệ sĩ Phúc Tiệp “đổi dòng” hát trữ tình rất say lòng, da diết, NSƯT Tân Nhàn đưa khán giả về với một chiều trên Phủ Tây Hồ mênh mang, linh thiêng nhưng mới mẻ, dịu dàng, cặp song ca Khánh Ly - Hương Diệp cũng đem đến 12 mùa hoa khác biệt, NSƯT Lan Anh như “đánh thức” khán giả trong cõi mơ màng “ngày tháng cũ” ấy…
Lắng sâu những giá trị truyền thống không thể phai mờ
Chương 3 Hà Nội những mùa nhớ là khung cảnh của Hà Nội qua các mùa tạo nên một Hà Nội vẻ đẹp đa diện. Đó là “Nhớ mùa thu Hà Nội” (sáng tác: Trịnh Công Sơn, biểu diễn NSƯT Phương Nga, Pianist NSƯT Minh Trang; Guitar Xuân Thịnh, Saxophone Hoàng Tùng); “Em ơi Hà Nội phố” (sáng tác: Phú Quang, biểu diễn: NSND Quang Thọ).
NSND Quang Thọ |
Đó là “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (sáng tác: Ngọc Khuê, biểu diễn Anh Thơ); “Hà Nội mùa lá rụng” (sáng tác: Quốc Trụ, biểu diễn: Mạnh Hoạch; “Tìm em - Mùa thu muộn” (sáng tác: Đoàn Bổng - Lê Vinh, biểu diễn: Đào Nguyên Vũ); “Sóng đàn Hà Nội” (sáng tác: An Thuyên, biểu diễn: Thảo Nhi, Thuỳ Linh, Quỳnh Như, Huyền Trang)…
Nghệ sĩ Anh Thơ |
Chương 4 Khúc hát người Hà Nội là những ca khúc thể hiện vẻ đẹp con người Hà Nội hào hoa và thanh lịch, ca ngợi những người giữ cốt cách người Hà Nội, hay cũng là tâm tình, hơi thở người Hà Nội đương thời.
Ca sĩ Quang Hà |
Đó là “Hà Nội nơi tìm về” (sáng tác: Thành Chung) qua phần thể hiện của ca sĩ Lê Anh Dũng; “Xẩm Hà Nội” (sáng tác: Nguyễn Quang Long) qua phần biểu diễn của Hương Ly kết hợp Rapper Mezzo; “Phố nghèo” (sáng tác: Trần Tiến) qua phần biểu diễn Quang Hà; “Ngẫu hứng phố” (sáng tác: Trần Tiến) Quang Hà hát cùng Hương Ly; “Khúc hát Người Hà Nội” (sáng tác: Trần Hoàn)…
Hương Ly với "Xẩm Hà Nội" |
Ở chương này, khán giả nhìn thấy rõ nét một Hà Nội hôm nay vẫn những thâm nghiêm, cổ kính nhưng đã hoà với dòng chảy hiện đại, rạng rỡ sức trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, với cách lựa chọn ca khúc, chương trình đã “ẩn ý” về một Hà Nội dù hiện đại đến đâu vẫn luôn là một Hà Nội như vậy, hào hoa, thanh lịch và lắng sâu những giá trị truyền thống không thể phai mờ.
Ca sĩ Hương Diệp và Khánh Ly |
Cũng hiếm có chương trình ca nhạc nào quy tụ nhiều tinh hoa như “Cảm xúc tháng 10”. Hội tụ tinh hoa về tác phẩm âm nhạc được biểu diễn, hội tụ tinh hoa nghệ sĩ. Ở đó có NSND Quang Thọ tuổi 75 nhưng tiếng hát vẫn dầy ấm, tình cảm. Giọng hát trầm ấm của NSND Quốc Hưng với “Hà Nội niềm tin và hy vọng” như thắp lên ngọn lửa chiến thắng.
Chương trình để lại cảm xúc lắng đọng với khán giả |
Chương trình cũng đón chào sự trở lại của Quang Hà. Lần thứ 2 trở về trường, đứng trước các thầy cô Quang Hà khiêm tốn nói anh thấy mình nhỏ bé và vẫn luôn hồi hộp, lo lắng. Tình cảm những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả đã động viên Quang Hà rất nhiều.
Đặc biệt màn hoà giọng ca khúc “Khúc hát người Hà Nội” của các thế hệ nghệ sĩ Học viện ANQGVN tạo nên một cái kết đẹp, tươi mới, rực rỡ mong ước ở tương lai của chương trình.