Cần có đột phá trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế
Chiều 3/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ về 5 nhóm vấn đề, trong đó chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 và đóng góp ý kiến định hướng phát triển không gian, hạ tầng đô thị của Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ |
Phân cấp ủy quyền là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ( Tổ Chương Mỹ) nhận định, nhìn lại bức tranh 6 tháng đầu năm 2023 có thể thấy UBND TP đã có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, trong các nguồn thu ngân sách đầu năm, nguồn thu đấu giá đất chưa đạt; Thu đấu giá quyền sử dụng đất chỉ đạt 5,42%, thu tiền từ đất chỉ đạt 21,2% kế hoạch cả năm.
Làm rõ các nguyên nhân, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, TP đã giao cho quận, huyện, thị xã tiến hành phê duyệt giá đất đấu giá theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị quyết chưa có hướng dẫn rõ ràng. TP ủy quyền rồi nhưng khi phê duyệt giá đất vẫn báo cáo HĐND TP đưa ra mức giá an toàn, chưa thực sự sát với giá thị trường.
“Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã phân tích nguyên nhân, trong đó, một phần nguyên nhân được chỉ ra là do sợ trách nhiệm”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết.
Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần bám sát nguyên tắc: Không làm thay đổi tổng nguồn vốn của kế hoạch 5 năm; Bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025 được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP xác định và danh mục thứ tự ưu tiên dự án.
Nhấn mạnh phân cấp ủy quyền là điểm sáng của TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần rà soát lại các thủ tục này đã thực sự vào cuộc sống được bao nhiêu, vấn đề nào còn khó khăn vướng mắc, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện như thế nào.
Về các giải pháp phát triển kinh tế -xã hội, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) cho biết, thời điểm này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do đó, đề nghị có “đột phá” và gợi ý TP nên tổ chức hội nghị với 20-30 doanh nghiệp để nắm bắt các kiến nghị, đề xuất; Từ đó, có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng chung ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Tổ Đan Phượng) kiến nghị TP chỉ đạo Sở, ngành bám sát đơn giá của thị trường dự toán, định mức sát thực tế để giảm khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng, đây là năm thu ngân sách khởi sắc. Tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ hơn về những nội hàm của thu 6 tháng cuối năm, đặc biệt là đối với các đơn vị cụ thể. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2023, huyện Gia Lâm mới đạt 22% số thu ngân sách. Trong đó, nguồn thu từ Ocean Park chiếm 83% số thu ngoài quốc doanh của huyện Gia Lâm nhưng năm nay đơn vị này cũng gặp khó khăn. Vì vậy, TP cần phải có đánh giá kỹ nội hàm và có giải pháp tháo gỡ.
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Tránh manh mún trong quy hoạch
Góp ý về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, đại biểu Lê Ngọc Anh (Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội TP) cho rằng, trong quy hoạch chung Thủ đô cần nhận diện và đặt ra nhiệm vụ để đô thị thông minh phát triển được 2 bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài và phát triển không gian công cộng, không gian xanh. Cần quy hoạch nông thôn để gắn kết hài hoà giữa nông thôn với phát triển đô thị.
Cùng quan điểm, đại biểu Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ (Tổ huyện Sóc Sơn) cho rằng, TP cần quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật đô thị và tính toán quản lý chất thải rắn ở đâu cho “phù hợp với quy hoạch và cả lòng dân” nếu không sẽ không thành công.
Đề cập đến sắp tới, một số huyện sẽ phát triển thành quận, đại biểu Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cho biết, nếu phát triển thành đô thị thì cũng phải tính đến quy hoạch nghĩa trang và phát triển mô hình mới như đưa vào các cơ sở tôn giáo hay nghĩa trang chung phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng của người dân.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ huyện Mê Linh) cho biết, về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, vì vậy, nên sử dụng tư vấn nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm của những đô thị đi trước, tránh tình trạng manh mún trong quy hoạch.
Về định hướng quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Trưởng Ban Dân tộc TP) đánh giá, TP đã làm bài bản và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để có định hướng quy hoạch này. Đại biểu đề nghị việc quy hoạch nghĩa trang cần phải có các nhà hỏa táng, đây là nội dung được quan tâm để có định hướng tầm nhìn quy hoạch đến năm 2060, đáp ứng nhu cầu nhà tang lễ cho địa bàn toàn thành phố. Cùng với đó, TP cần khắc phục bất cập của việc quy hoạch các trạm chung chuyển rác thải rắn vì đến nay các quy hoạch đã lạc hậu....