Cần quy định cụ thể việc giao thẩm quyền cho TAND khu vực
Làm rõ căn cứ tăng số Thẩm phán TAND tối cao lên 27 người Đề nghị giữ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND Không hợp lý khi bỏ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND |
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình với dự án luật là tập trung sửa đổi và bổ sung các quy định chủ yếu liên quan đến tổ chức, sắp xếp bộ máy của TAND các cấp, kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện.
Theo đó, hiện nay mô hình tổ chức bộ máy TAND có 3 cấp, gồm: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực.
Với tinh thần đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này đã đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đó là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và giao thẩm quyền cho TAND khu vực để giải quyết tất cả những vụ việc từ cấp cơ sở; đồng thời đảm bảo nguyên tắc 2 cấp xét xử và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận công lý.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). |
Góp ý về thẩm quyền của TAND khu vực và TAND cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận thấy, dự thảo điều chỉnh thẩm quyền của TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, thực hiện hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án mà trao quyền cho TAND khu vực là phù hợp với quy mô, tổ chức bộ máy mới của tòa án sau sắp xếp.
Đại biểu Nga cho biết, so với TAND cấp huyện trước đây, TAND khu vực được thành lập sẽ mạnh hơn về tổ chức, chuyên môn và nhân lực nên việc phân cấp thẩm quyền giải quyết như dự thảo luật là hợp lý.
“Điều này sẽ giúp TAND cấp tỉnh chuyên trách hơn trong các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm… Mô hình này cũng tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới, đó là hệ thống tòa án cấp tỉnh chủ yếu giữ vai trò kiểm tra, giải quyết kháng nghị, kháng cáo chứ không phải cấp xét xử đầu tiên”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc giao thẩm quyền cho TAND khu vực cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là quy định về việc chuyển giao đối với các vụ việc còn đang được giải quyết, song song với đó là việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền.
![]() |
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh). |
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) nêu rõ, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi quy định về giao thẩm quyền xét xử cho các tòa án theo hướng giao TAND khu vực xét xử tất cả các vụ việc sơ thẩm, hành chính, dân sự, kinh tế, lao động, kinh doanh thương mại.
“Giao cho TAND sơ thẩm khu vực để xét xử tất cả các vụ việc ở trình tự sơ thẩm. Hiện nay các Tòa án nhân dân cấp huyện sau khi sáp nhập lại thì TAND tối cao sẽ có các giải pháp để tăng cường nguồn lực về thẩm phán, về cơ sở vật chất để đảm bảo TAND khu vực sẽ xét xử giải quyết được tất cả những vụ việc này”, đại biểu cho biết.
Vì vậy, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng, việc sắp xếp này trong thực tiễn là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử. Đặc biệt trong điều kiện thực tế hiện nay, việc giao cho TAND cấp tỉnh để giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ việc có hiệu lực pháp luật của tòa án sơ thẩm có kháng nghị là nhằm đảm bảo không dồn việc lên TAND tối cao, để TAND tối cao dành thời gian tổng kết thực tiễn công tác xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong các cấp tòa án. Đồng thời giải quyết được nhanh chóng các vụ việc, đảm bảo thuận lợi cho người dân khi tham gia giải quyết các tranh chấp.
Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý vào quy định về thẩm quyền Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ. Theo quy định của dự thảo luật, sẽ có Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại TAND khu vực.
Các ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Bởi vì, thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.
Các ý kiến cho rằng, việc thành lập tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị bố trí Thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm, không tổ chức thêm tòa chuyên trách.
Tin liên quan
Đọc thêm

Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm và làm việc tại Ai Cập

Tránh để địa phương trông chờ, ỷ lại trong hỗ trợ ngân sách

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất sắp xếp cấp xã trước 15/7, cấp tỉnh trước 15/8/2025

Việc phát huy truyền thống đoàn kết Việt Nam - Campuchia - Lào cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết

Cấp xã chỉ được giao việc mà không giao tiền thì bất khả thi

Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Quảng Ngãi

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về đến sân bay Chu Lai

Tạo thuận lợi nhất cho tất cả người yêu nước cùng đóng góp và chia sẻ niềm tự hào về đất nước

428 đoàn dự lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại TP Hồ Chí Minh
