Chất vấn nhiều vấn đề nóng tại kỳ họp HĐND TP HCM
Khai mạc kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh cuối năm 2023 TP HCM phải tận dụng thời cơ, thích ứng để hoàn thành mục tiêu |
Không gian ngày làm việc thứ 2 (7/12) kỳ họp thứ 13 HĐND TP HCM khoá X |
Vấn đề nồng độ cồn tiếp tục "nóng"
Phát biểu chất vấn, đại biểu Trần Quang Vinh cho rằng, việc Cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm như vài nơi đã làm có thể gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng: “Hiện nay, có nhiều đoạn đường, dù không phải giờ cao điểm nhưng xe kẹt hàng dài do kiểm tra nồng độ cồn. Điều này đang khiến tình hình giao thông hỗn loạn".
Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 6/11, đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) cũng cho rằng, việc CSGT TP HCM ra quân kiểm soát nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm đang gây ra một số lo lắng nhất định cho người dân.
Ông Đức đưa tình huống một người dân buổi tối đi tiệc và có uống bia, rượu, đến sáng người này đã tỉnh táo, đủ năng lực di chuyển nhưng trong hơi thở có nồng độ cồn, có khả năng bị xử phạt. Từ đó, đại biểu Lê Minh Đức đề xuất cơ quan chức năng phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân về việc kiểm tra nồng độ cồn khi lưu thông.
Vấn đề CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn được các đại biểu quan tâm |
Trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM thông tin, thời gian vừa qua, Công an thành phố ghi nhận một số ý kiến băn khoăn, trăn trở về việc kiểm tra nồng độ cồn.
"Tất cả vụ kiểm tra nồng độ cồn không sử dụng chung đầu thổi mà đều có đầu thổi riêng. Chúng tôi kiểm tra có quy trình, không gây ùn tắc giao thông, xáo trộn về trật tự xã hội", Thiếu tướng Trần Đức Tài nói.
Thông tin thêm, Phó Giám đốc Công an TP cho biết, TP HCM một năm có đến 600 người tử vong vì tai nạn giao thông. Mong rằng người tham gia giao thông hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ để lập lại trật tự an toàn giao thông, để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và xã hội.
Chăm lo an sinh xã hội
Về vấn đề kinh tế - xã hội thành phố, đại biểu Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) thông tin, hiện nay nhiều cử tri còn lo lắng về tình hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, từ các doanh nghiệp lớn đến các cơ sở kinh doanh hộ gia đình đều gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền (huyện Củ Chi) cũng nhận xét, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhiều công nhân thất nghiệp. Do đó, trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, thành phố nên bổ sung chính sách, nhất là vận dụng Nghị quyết 98 và Nghị định 73/2023 của Chính phủ để chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân thất nghiệp được tốt hơn.
Hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho người lao động (Ảnh minh hoạ) |
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội TP HCM trao đổi, công tác an sinh xã hội luôn được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở đề xuất thành phố dành khoảng 916 tỷ đồng (tăng khoảng 4% so với năm trước) chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội...
Về chăm lo công nhân, Sở đã xây dựng kế hoạch giám sát tình hình trả lương, thưởng tết. Liên đoàn Lao động TP HCM cũng đã có kế hoạch chăm lo, hỗ trợ khoảng 139.000 trường hợp, với kinh phí trên 171 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM và các địa phương cũng có kế hoạch chăm lo riêng.
Xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung
Báo cáo về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết, tại thảo luận tổ ngày 6/12, các đại biểu cho rằng việc chuyển đổi số hiện nay chưa đạt yêu cầu đề ra; có xu hướng nghiêng về tin học hóa, chưa thực sự là chuyển đổi số.
Theo các đại biểu, thành phố cần tập trung xây dựng các nền tảng, hệ thống dữ liệu dùng chung, chuyển đổi dữ liệu, liên thông dữ liệu giữa các sở ngành, quận huyện. Ngoài ra, thành phố cần thông tin thêm về các kết quả đã đạt được trong xây dựng TP HCM thông minh, chuyển đổi số tính đến thời điểm hiện nay; thành tựu của công nghệ thông tin đối với các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, an ninh… của người dân được hưởng thụ.
Các đại biểu tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 13 |
Đại biểu Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) cho biết thêm, thành phố đang ở bước đầu thực hiện phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Các doanh nghiệp đang thực hiện ở một chừng mực nhất định; trong khi đó, yêu cầu của thế giới ngày càng cao, do đó đề nghị có giải pháp hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy những hoạt động này.
Có giải pháp cho các chỉ tiêu an ninh trật tự
Về an ninh trật tự, bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM cho biết, các đại biểu đề nghị TP HCM quan tâm đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp đối với các chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội chưa đạt: Chỉ tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; chỉ tiêu điều tra khám phá án; chỉ tiêu giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Đồng thời, thành phố quan tâm xử lý đối với tình trạng trẻ chưa thành niên lái xe trên 50 phân khối tham gia giao thông; tăng cường kiểm soát nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa tai nạn là cần thiết, tuy nhiên cần có cách làm phù hợp hơn hiện nay.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bồi thường dự án
Bà Đỗ Thị Minh Quân báo cáo tại kỳ họp (Ảnh: hcmcpv.org.vn) |
Đối với các dự án đầu tư, bà Đỗ Thị Minh Quân cho biết, các đại biểu đề nghị UBND TP HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng: Dự án cầu Cần Giờ; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, các dự án chống ngập trên địa bàn Quận 7, huyện Nhà Bè và tiếp tục quan tâm đầu tư công đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Tân Bình; các dự án trên địa bàn huyện Bình Chánh như: Sing - Việt, Khu E, Tên lửa phòng không 367; đường Vĩnh Lộc; dự án Trần Văn Giàu ngập khi triều cường....
Cùng với đó, vấn đề kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Trường Trung học phổ thông Bình Khánh, huyện Cần Giờ; hồ sơ quyết toán đối với dự án Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (Quận 6); trường hợp mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại địa chỉ 183/9 Tân Hòa Đông, Phường 14 (Quận 6); trường hợp đề nghị được tái định cư tại chỗ liên quan đến dự án giải phóng đường số 13 (Quận 6), các đại biểu đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan có văn bản trả lời, làm rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu yêu cầu các sở ngành sớm có hướng giải quyết đối với 1 trường hợp đang gặp khó khăn trong công tác vận động Nhân dân giao nền đất để thực hiện dự án Vành đai 3, quan tâm và có sự chuẩn bị trước đối với công tác bồi thường tái định cư cho người dân. Đối với dự án Vành đai 4, dự án Mộc Bài - Tây Ninh cần nghiên cứu giao cho quận, huyện chủ động bố trí tái định cư.