“Chìa khóa” giúp các hợp tác xã phát triển bền vững
Đồng bào Mường thoát nghèo nhờ mô hình hợp tác xã Hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử Từng bước tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp Hình thành chuỗi liên kết các hợp tác xã |
Hợp tác xã gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.316 tỷ đồng, với gần 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ.
Tổng dư nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế và 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ chỉ chiếm 0,5% số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn so với quy mô và đóng góp của loại hình kinh tế này.
Đánh giá chung của các tổ chức tín dụng thì việc tiếp cận vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên còn hạn chế so với quy mô do một số nguyên nhân như phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi; năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của hợp tác xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay...
Khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh là một trong những khó khăn của các hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay |
Hiện số hợp tác xã tiếp cận được vốn tín dụng rất ít, trong khi nhu cầu vốn khá lớn. Đơn cử như hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) là một trong số ít đơn vị tiếp cận được các nguồn vốn vay để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, bản thân hợp tác xã không thể tự vay vốn do không có tài sản để thế chấp.
Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy cho biết: Hợp tác xã có tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ một ngân hàng nhưng có rất nhiều khó khăn về báo cáo tài chính, thuế... cho nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ phía ngân hàng.
“Để tháo gỡ khó khăn này, tôi và một thành viên hội đồng quản trị cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay với tư cách cá nhân rồi cho hợp tác xã mượn lại. Tuy nhiên, chỉ vay được 800 triệu đồng cho nên phải vận động tất cả thành viên trong hợp tác xã vay tín chấp mỗi người vài chục triệu đồng mới có số vốn 1,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng...”, ông Đạt chia sẻ.
Tương tự, ông Phan Văn Thủ, Hợp tác xã Dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm (Long An) thừa nhận: Một trong những hạn chế lớn nhất của hợp tác xã là đang khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng do hợp tác xã không có tài sản chung, tải sản không chia của hợp tác xã. Ngoài ra, các hợp tác xã chủ yếu được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Phát triển hợp tác xã, chủ yếu từ liên minh hợp tác xã nhưng số vốn vay tối đa chỉ được 1 tỷ đồng/ hợp tác xã như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Ông Phan Văn Thủ mong muốn được các cấp ngành, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã có thể được tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Mặc dù Agribank đã có nhiều phương án cấp tín dụng nhưng thấy khó khăn trong việc cho vay đối với hợp tác xã, vì có nhiều hợp tác xã vốn tự có chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính của hợp tác xã chưa bài bản, minh bạch, hoàn thiện... Vì vậy, trong Agribank số lượng hợp tác xã dư nợ quá hạn do những năm trước còn cao ảnh hưởng tới việc cấp tín dụng.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hợp tác xã cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế |
Về vấn đề tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, nguồn vốn ngân hàng rất quan trọng cho phát triển hợp tác xã. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm đến tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã và có nhiều chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng thu thập thông tin đánh giá tín nhiệm khách hàng, làm sao nâng cao hiệu quả thẩm định, tăng khả năng cho vay không bảo đảm tài sản, tăng cho vay với khách hàng là các hợp tác xã.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hợp tác xã, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, trong đó có hợp tác xã. "Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các hợp tác xã nhằm khắc phục các hạn chế như quy mô, cạnh tranh, quản trị, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng cho vay”, bà Hà Thu Giang nói.
Ngoài ra, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã, bản thân các hợp tác xã và các cơ quan quản lý hợp tác xã cần hỗ trợ và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật, tập trung vào các chuyên đề như hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các hợp tác xã...