Cho mùa xuân thêm nồng thắm…
Đầu xuân “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui” Về xứ Thanh du xuân, nghe “chi, mô, răng, rứa” Những cung đường mùa xuân |
Kéo dài những ngày xuân
"Còn mùng là còn Tết", chả thế mà, ngay sau khi cúng tiễn các cụ, hạ lễ trên bàn thờ gia tiên, kết thúc cái Tết, người Hà Nội lại chơi xuân theo cách của riêng mình. Dạo khắp các chợ những ngày này, nếu người ở nước ngoài về hoặc không nhìn vào tờ lịch thì sẽ có cảm giác người Hà Nội đang "ăn Tết lại".
Nghĩa là, người bán, người mua đào rầm rập, háo hức như Tết chưa hề qua. Những cành đào mang theo hơi xuân của năm mới đượm nụ, đượm hoa hơn hẳn trước Tết. Những cánh hoa đào hồng rực khoe hương sắc mùa xuân tươi thắm trên tay các bà, các chị đi chợ về, theo xe máy của những chị em mang đến công sở, được cắm trang trọng vào những chiếc lọ nhỏ xinh xinh để người Thủ đô chơi xuân.
![]() |
Cành đào mini đắt hàng sau Tết |
Không còn là những cành đào huyền, đào thế, những cội già mốc thếch xanh rêu, những cành đào nhỏ cho thấy sức xuân đang lan tỏa mạnh mẽ, rạo rực cùng với bao niềm hi vọng.
Bởi lẽ, người chơi hoa để kéo dài những ngày xuân. Với nhiều người, có lẽ đây mới là lúc hưởng thụ cái Tết cho riêng mình thực sự. Đó là những người bà, người mẹ tất bật lo Tết cho bên nội, bên ngoại, đón các con, cháu về chơi, nhộn nhịp những buổi đi thăm viếng họ hàng...
Đó là những người mẹ trẻ quê xa, con nhỏ, "chạy sô" với Tết. Như tâm sự của chị Yến (Hà Đông, Hà Nội): "Năm ngoái, mình làm dâu mới nên chưa quen với cuộc sống "phân chia" với hai bên nội ngoại thì đến năm nay lại có con nhỏ, mọi việc cứ rối tung cả lên. Vợ chồng mới cưới lại có con thơ cùng nhiều lo toan cả về vật chất và những túi bụi việc sinh hoạt, chăm con cái hàng ngày, trong khi đi chuyển giữa hai bên, đảo lộn giờ ăn ngủ của con, mình rất mệt. Giờ mới là lúc được trở về nhịp sống hàng ngày".
![]() |
Đó cũng có thể là những bạn trẻ còn độc thân, nhẩn nha với tâm hồn còn đang phơi phới thanh xuân, chưa vướng bận nhiều lo nghĩ, thích được bày biện một không gian riêng, tận hưởng những ngày xuân trôi qua trong đời.
Còn người bán hoa sẽ thấy Tết kéo dài hơn, không còn nỗi lo hết Tết thì mùa màng thất thu, công sức chăm bón cả năm chỉ dồn bán trong những ngày ngắn ngủi. Những cành đào khoe sắc ngoài vườn không chỉ lãng phí mùa xuân mà còn lãng phí cả công sức con người.
"Chơi Tết lại" hóa ra lại thành một nếp rất đặc biệt, riêng có mà mang nhiều ý nghĩa của người Hà Nội.
Mùa "sống chậm"
Nếu như thời điểm cuối năm ai nấy đều gấp gáp, vội vã với những dự định, công việc chưa hoàn thành thì qua cái Tết, thời điểm đầu xuân chính là dịp để chúng ta "sống chậm" lại.
Người lớn "chậm" với những hoạt động du xuân, vui chơi lễ hội đầu năm. Theo anh Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), mỗi người đến với đền, chùa và lễ hội là để cầu mong một năm mới với những ước vọng riêng như bình an, may mắn, thành đạt, phát tài... cũng như hòa vào không khí đầu xuân. Mỗi địa điểm tâm linh đều thờ những vị thánh, thần, Phật... với ý nghĩa riêng. Đồng thời lễ hội cũng mỗi vùng miền mỗi độc đáo.
Song, không nhất thiết phải "đi cho đủ số lượng". Anh Khang nhấn mạnh vào ý nghĩa của việc lễ bái, ngoài gửi gắm ước nguyện cho cả năm thì còn là dịp để gia đình, anh em, bè bạn, cơ quan đoàn thể có những giờ phút quây quần, đầm ấm bên nhau, thêm gắn kết và yêu thương. Do đó, theo anh, nên cân đối thời gian và công việc để lựa chọn chứ không nhất thiết "phải" đến chỗ này, "phải" đến chỗ kia, khiến đi được nhiều mà chúng ta lại chẳng cảm nhận hay thu nhận được nhiều và ảnh hưởng đến năng suất lao động đầu năm.
![]() |
"Sống chậm lại" để suy nghĩ về hướng đi cho tương lai (Ảnh minh họa) |
Có những bạn trẻ chọn sống chậm bằng những hoạt động rất hướng ngoại như du xuân xa, tụ tập đầu năm, cùng xem một bộ phim hoặc hàn huyên bên những quán cà phê quen thuộc. Thảo Nhi - một sinh viên năm cuối tại Hà Nội thì chọn cách ngồi trong căn phòng của mình, thật tĩnh lặng nhìn nắng, mưa mùa xuân trôi qua khung cửa.
Chỉ còn vài tháng nữa là cô giã biệt cuộc sống sinh viên, chính thức bước vào "công cuộc" tìm việc để thực hành kiến thức đã học được, đồng thời tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Tự cho mình chút lười biếng cuối cùng trước khi bước vào dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, Thảo Nhi cho biết mình không phải ngồi rỗi mà đang suy nghĩ để hoạch định những hướng đi cho tương lai.
Đó cũng chính là điều mà nhiều người chọn để khởi đầu năm mới. Bởi một năm sẽ mở ra chặng đường mới, nhiều hi vọng mới và chúng ta cần chuẩn bị một sức bật thật tốt.
Dù vậy, chậm không có nghĩa là để thời gian trôi qua mà mình không đuổi kịp để rồi lại hụt hơi, đuối sức và gồng mình lên trong những tháng cuối năm. Chậm một chút thôi, mang hết mọi giác quan và cảm xúc ra để cảm nhận mùa mới đang ùa vào đất trời, vào cuộc sống của chúng ta. Rồi chúng ta đứng dậy, hòa vào nhịp thời gian để một năm mới được khởi đầu đầy thuận lợi.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí của văn hóa

Mùa xuân vui hội Đống Ba

Nâng cao chất lượng trong tuyên truyền, thực hiện Luật Thủ đô 2024

NSƯT Cao Ngọc Ánh và những "ngọn lửa" từ tình yêu Hà Nội

Thêm kỳ vọng về ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Khoanh vùng bảo vệ 4 di tích mới được xếp hạng của Hà Nội

Hà Nội: Thêm một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vinh dự, tự hào khi được vào vai đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ

Văn hóa người Hà Nội tỏa sáng trong thực hiện Nghị định 168
