Duy trì việc làm - khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch Covid-19
Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành dệt may vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động |
Duy trì việc làm được cho là khung chính sách hiệu quả đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả 3 bên: sự quyết tâm của doanh nghiệp, sự chung tay của người lao động và sự hỗ trợ các khung chính sách kịp thời từ Chính phủ.
Luân phiên nghỉ việc dài ngày
Các đơn hàng xuất khẩu đi Liên minh châu Âu và Mỹ bị tạm hoãn do dịch bệnh, công ty không có đơn hàng mới, anh Trần Văn Dũng (30 tuổi) – công nhân của một công ty may Ấn Độ có tiếng ở Bắc Giang chỉ đi làm việc 4 ngày trong một tuần. Giảm 8 ngày làm việc trong một tháng, cộng với không có tiền tăng ca như trước kia, thu nhập của anh đã giảm một nửa.
Gắn bó với công ty hơn 7 năm nhưng nếu tình trạng này vẫn kéo dài, anh rất lo lắng vì anh hiện đang là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mặc dù vậy, gia đình anh Dũng vẫn còn may mắn vì còn được đi làm và cuộc sống vẫn đảm bảo ở mức tối thiểu.
Còn chị Nguyễn Thị Mai (TP Hải Dương) đã bị công ty cho thôi việc tạm thời từ hơn 1 tháng nay. Tiền lương thì chưa được trả nhưng thời gian quay lại công việc thì chưa biết khi nào. Chủ doanh nghiệp nói rằng, nếu có đơn hàng khẩu trang tiếp thì mới có thể gọi đi làm và trả nốt tiền lương, còn nếu không vẫn phải chờ.
Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II/2020 giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - cho hay, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngành dệt may nỗ lực vượt khó |
Cần sự phối hợp của cả ba bên
Các chuyên gia lao động đều có chung một nhận định rằng, vào lúc này, có việc làm còn quan trọng hơn tiền lương. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hệ lụy rất lớn sau dịch Covid-19 là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.
Do đó giữ và tạo việc làm thời điểm này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ ổn định sản xuất, khôi phục kinh tế các đô thị mà còn đảm bảo an sinh cho hàng triệu lao động và gia đình họ… Tuy nhiên, nếu chỉ có doanh nghiệp cố gắng nỗ lực trong bối cảnh hiện nay sẽ không thực sự hiệu quả.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, cố giữ lao động ở lại nhưng điều này không dễ dàng. Rõ ràng, khi tình hình tài chính của doanh nghiệp không còn đủ sức gánh sẽ phải cắt giảm, phải đóng cửa nhà máy, người lao động sẽ mất việc...
Do đó, để giữ việc làm không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cần sự chia sẻ của người lao động, có thể giảm thu nhập để giữ việc làm qua thương lượng. Đa phần người lao động cũng chia sẻ với doanh nghiệp và hy vọng có thể cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Giữ việc làm phải là ưu tiên hàng đầu tại doanh nghiệp, còn cắt giảm lao động chỉ là biện pháp cuối cùng.
TS. Lee Chang Hee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh về khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch Covid-19 là tập trung duy trì việc làm. Ông khuyến cáo, Việt Nam cần tập trung duy trì việc làm bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp đang thực hiện các biện pháp để giữ người lao động.
Ông Lee Chang Hee đánh giá, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19 bao gồm: kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.
Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu Covid-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.