Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh: TTX) |
Tối 28/12, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021). Đến dự lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tự hào thành quả quá khứ, không quên trách nhiệm tương lai
Về phương diện ngữ nghĩa học, Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là về Nam, hướng Nam, một sự lựa chọn, định hướng mang tính chiến lược có tầm nhìn xa, về sự phát triển. Từ thế kỷ XV, trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi gọi đất này là “Tiên nữ phú hà duy nam giới” và xếp vào loại "phên giậu thứ 5” của quốc gia Đại Việt.
Chặng đường 550 năm hình thành và 25 năm xây dựng, phát triển từ khi tách tỉnh, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc và là động lực to lớn để viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích danh xưng Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trải qua 550 năm với bao thăng trầm, thay đổi tỉnh Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng.
Tự hào về vùng đất và con người xứ Quảng, chúng ta càng trân trọng và biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu của các thế hệ tiền nhân, của lớp lớp người con xứ Quảng gan dạ bất khuất và chiến sĩ, đồng bào cả nước ngã xuống để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng “chưa mưa đã thấm” để Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay - một Quảng Nam tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước với những công trình, dự án mới hối hả dựng xây; Nhà máy, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp đang từng ngày phát triển mạnh mẽ, khởi sắc.
Chủ tịch nước cũng mong muốn Quảng Nam thực hiện tiến bộ xã hội tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và chăm sóc y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện chăm lo các gia đình chính sách, nâng đỡ người yếu thế, "không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tự hào thành quả quá khứ nhưng không quên trách nhiệm với tương lai. Trước mắt chúng ta, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và vẫn phải tiếp tục chiến đấu với nó".
Đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn kỷ niệm (Ảnh: Phương Thuận) |
Khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng
Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động từ những thập niên trước, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế. Những cơ sở hạ tầng kết nối chiến lược được hình thành, cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh, dịch vụ công cơ bản được cải thiện đã tạo động lực, điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Quảng Nam, trước mắt cần tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa, nối lại các chuỗi cung ứng và thị trường lao động, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm vừa qua. Tỉnh phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu cho cả giai đoạn 2020 - 2025.
Với quy mô, vai trò và vị trí chiến lược, quan trọng của Quảng Nam, Đảng và Nhà nước kỳ vọng sự đóng góp tích cực và lớn hơn nữa vào những kết quả chung của cả nước.
Quang cảnh lễ kỷ niệm 550 Danh xưng Quảng Nam (Ảnh: Phương Thuận) |
Bên cạnh đó, Quảng Nam phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm có của một tỉnh nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ; Trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quảng Nam là một tỉnh đa dạng về văn hóa, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hóa đa sắc màu của Việt Nam; Nhiều làng nghề nổi tiếng là kết tinh của những giá trị hữu hình và vô hình, là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch của Quảng Nam, của miền Trung và cả nước. Do đó, Quảng Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng.