Chuỗi liên kết sản xuất - “chìa khóa” nâng cao giá trị nông sản
Hiệu quả từ những mô hình liên kết
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hiểu được điều đó, những năm vừa qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhà sản xuất mà còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nông sản an toàn với giá cả hợp lý.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, tổng số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản đang hoạt động trên địa bàn là 145 chuỗi; Trong đó, 52 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Các chuỗi liên kết này hoạt động hiệu quả, giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, bà con nông dân an tâm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Đơn cử, tại huyện Ba Vì, ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An là một trong những người thành công trong lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi. Ông Hiển cho biết, ông bắt đầu từ mô hình nuôi gà đẻ trứng, sau đó phát triển thành mô hình chăn nuôi có quy mô sản xuất 2.000 mét vuông chuồng, mỗi lứa nuôi khoảng 1 vạn gà đẻ, 7.000 gà thịt, cho hiệu quả kinh tế lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp |
Tại huyện Ứng Hòa, Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo Khu Cháy. Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica; Liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết thông tin, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện với giá thành ổn định nên nông dân rất phấn khởi.
Không chỉ ở Hà Nội, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn được triển khai rộng rãi tại các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Nam. Theo thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch.
Đối với cây lúa, tỉnh đã từng bước chuyển dịch các giống lúa lai có năng suất cao, sản lượng lớn sang các giống lúa chất lượng nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Năm 2022, diện tích lúa chất lượng hàng hóa đạt 26.157,3ha, bằng 43,2% diện tích, tăng 26% so với năm 2015. Sản lượng lúa chất lượng cao tăng từ 115.103 tấn năm 2015 lên 149.095 tấn năm 2021.
Lúa thương phẩm được doanh nghiệp liên kết bao tiêu hiệu quả, giá trị kinh tế cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với lúa thường. Các cây trồng hàng hóa được chú trọng gieo trồng thay thế các giống cũ đi đôi với áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất nông nghiệp.
Các đơn vị tham gia liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rất đa dạng như các công ty, trường học, bếp ăn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng liên kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Công ty TNHH Khải Anh Hà Nam, Hợp tác xã rau hữu cơ Trác Văn (thị xã Duy Tiên); Hợp tác xã nông sản sạch Bảo An, Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Huy (Lý Nhân); Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Hiệp (Kim Bảng)…
Đặc biệt, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều công ty đã buộc thu hẹp thị trường, phục vụ trong tỉnh là chủ yếu, đồng thời liên kết tiêu thụ nông sản với các cơ sở sản xuất uy tín trên địa bàn. Bên cạnh việc triển khai sản xuất theo đúng quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các địa phương trong tỉnh đang hướng mạnh đến xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, bền vững... để không ngừng nâng cao giá trị gia tăng, tạo bước phát triển nhanh, bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; Liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.
Trong đó, hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ khá phổ biến. Đây là kiểu liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông hộ. Với hình thức liên kết này, hợp đồng được ký ở đầu vụ và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm.
Doanh nghiệp có thể cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ, nhưng doanh nghiệp cũng có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt chất lượng. Về bản chất, mô hình liên kết này tích hợp nông hộ vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn vùng, toàn quốc và thậm chí toàn cầu khi có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia.
Việc sản xuất theo chuỗi được xác định là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp |
Với những hiệu quả đem lại, việc sản xuất theo chuỗi được xác định là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” nền kinh tế thì phát triển chuỗi liên kết là ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục phát triển chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mình.
Tại Hà Nội, thành phố sẽ hỗ trợ chi phí giống, vật tư thiết yếu để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ chi phí bao bì, nhãn mác cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao.
Việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi liên kết cũng sẽ góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội.