Chuyện về vị tướng nhiều lần vượt qua cửa tử
Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một vị tướng Hồi ức không quên trong chiến thắng mùa Xuân 1975 Hồi ức lịch sử khi nghe tin miền Nam đã giải phóng: Hạnh phúc vỡ oà |
Cận kề sinh tử
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (sinh năm 1939) gia nhập quân đội khi đã 24 tuổi, với sức vóc gầy yếu, chiều cao khiêm tốn 1m55, cùng cân nặng 42kg. Những con số trên dường như quá bất lợi để trở thành người lính chiến đấu thực thụ.
Tuy nhiên, cuộc đời binh nghiệp của ông lại gắn liền với chiến trường miền Đông Nam Bộ oanh liệt, với nhiều trận đánh lớn, nhỏ, từ giải phóng Chi khu Đồng Xoài, Phước Long, Chi khu Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Long Khánh… cho đến những trận đánh trên đường 13, chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh |
Ông bồi hồi nhớ lại thời điểm ngày 10/8/1966, trận đánh đầu tiên diễn ra tại đường 10 - Vĩnh Thiện (nay là huyện Bù Đăng, Bình Phước) của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy đã chiến đấu quyết liệt với tiểu đội biệt kích.
Không may trong lúc giao chiến, 2 đồng đội của ông đã hy sinh, còn bản thân ông bị bắn thẳng mặt, vỡ xương hàm, chân bị bắn rách toác cơ đùi. Trên đường lui về cùng đồng đội còn phải chịu thêm thương tích do bom của địch gây ra.
Do mất nhiều máu và thương tích nặng nên đồng đội tưởng ông đã chết. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, trong lúc đang an táng cho ông thì đồng đội vô cùng sửng sốt khi thấy chân ông còn ấm nên đã ngừng việc chôn lấp, thay vào đó ông được chở thẳng đi cấp cứu.
Lằn ranh giữa sống và chết lại đến với tướng Doanh vào tháng 3/1969, trong vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn 1, ông cùng đồng đội đánh trận Dầu Tiếng (Tây Ninh).
Khi ấy, kỵ binh thiết giáp của chính quyền Sài Gòn điều vào, chúng dùng bom Napan thả khiến anh em bị thương rất nhiều, các tài liệu, sổ sách ghi chép bị cháy hết.
Trên đường cơ động về, bị địch đánh chặn đường, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Doanh lại bị miếng bom văng vào đầu, chấn thương sọ não. Ông bị ngất, đồng đội khiêng về cấp cứu, mổ sống lấy mảnh bom ra.
Hai tháng sau, ông quay lại đơn vị tham gia đánh trận Tà Tê (Bù Đăng, Bình Phước). Chốt Tà Tê bị Mỹ đánh B52, dùng máy ủi san bằng, dựng lô cốt, quân ta đánh ba lần mới đập tan được lô cốt này.
Trong trận đánh đó, ông tiếp tục bị thương vào đầu gối. Do không được điều trị kịp thời khiến cơ chân bị teo, di chứng lên tận thần kinh sọ não. Hiện nay, tướng Doanh vẫn đang sống khi mang trong mình tỷ lệ thương tật 78%.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Doanh chụp ảnh lưu niệm trước Dinh Tỉnh trưởng Phước Long (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay) trong ngày giải phóng Phước Long 6/1/1975 |
Trận chiến khốc liệt và niềm trăn trở
Trong dòng hồi tưởng của mình, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh tiếp tục nhớ lại quãng thời gian Trung đoàn 141 được chọn đánh trận then chốt giải phóng Đồng Xoài, bắt sống Chi khu trưởng.
Vượt lên mọi khốc liệt của chiến trường, ông đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy một cách anh dũng, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công lẫy lừng khắp mặt trận miền Đông.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ ảnh kỷ niệm thời chiến với phóng viên |
Ngày 6/1/1975, đơn vị của ông đã đánh thắng và cắm cờ tại dinh Tỉnh trưởng Phước Long. Trong chiến dịch tổng tiến công đêm 29, rạng sáng 30/4, Trung đoàn 141 do ông làm Trung đoàn trưởng đã phối hợp mở toang “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, để các cánh quân của bộ đội ta cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nói về trận Xuân Lộc, tướng Danh cho biết đây cũng là trận đấu khốc liệt và khó khăn nhất của ông. Ông nhớ lại, khi đó địch ở trên nhà thờ bắn xuống, dưới thì cho xe tăng ẩn nấp dưới hào bắn lên, quân ta thiệt hại mất 1 chiếc xe tăng.
Lúc này ta phải dùng pháo 85mm mới bắn hạ được địch trên tháp chuông, lần đó có khoảng 80 người của phía địch đầu hàng.
Dù chiến tranh đã đi qua rất lâu nhưng dường như trong lòng vị tướng này vẫn luôn mang trong mình nỗi trăn trở về những người đồng đội cũ.
Ông đau xót khi nghĩ về việc họ đã hy sinh ở đâu đó trên đất nước này nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt để mang họ về với quê hương, với gia đình…