Cơ hội để Quảng Ninh phát triển thành trung tâm logistics cả nước
Quảng Ninh: Thanh niên Móng Cái ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” Quảng Ninh: Khai trương bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố để trở thành trung tâm logistics hàng đầu |
Quang cảnh hội nghị |
Cơ hội để Quảng Ninh trở thành trung tâm Logistics hàng đầu cả nước
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động vào bậc nhất thế giới, nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.
Đối với Quảng Ninh, một tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Quảng Ninh còn có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế để phát triển ngành dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng thực tế những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. |
Chính vì vậy, hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh được tổ chức là một cơ hội cũng như khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xác định dịch vụ logistics là một ngành kinh tế trọng điểm. Từ đó, tỉnh sẽ hoạch định các cơ chế, chính sách phù hợp để xác định những mục tiêu phát triển, đồng thời huy động nguồn lực thực hiện bằng được các mục tiêu này.
Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm "vốn mồi"; Đồng thời, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0…
Giải pháp để bứt phá
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cho hay, tỉnh đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu, khẳng định địa phương này hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào tỉnh |
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung, Quảng Ninh tập trung thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quyết định số 80/QĐ-TTg về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ xây dựng thực hiện các kế hoạch phát triển logistics.
Tạo quỹ đất hợp lý để phát triển trung tâm logistics trên địa bàn. Ban hành mới các chính sách khuyến khích đột phá, bố trí “vốn mồi” thu hút đầu tư. Ưu tiên phát triển trung tâm logistics thế hệ mới, công nghệ cao; Tiếp tục tái cơ cấu các ngành, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các FTA, lợi thế địa lý kết nối vận tải đa phương thức hình thành chuỗi logistics…
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh thêm, Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ...
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Sở Công thương Quảng Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”.
Lễ ký kết bản ghi nhớ, thoả thuận về phát triển logistics giữa các đơn vị |
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh ký MOU (biên bản ghi nhớ) với CTCP Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ký MOU với CTCP Nam Tiền Phong (tên cũ là CTCP Deep C Nga) về hợp tác phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
CTCP Vinafco ký MOU với CTCP Thành Đạt về hợp tác phát triển dịch vụ logistics và khai thác cảng Vạn Ninh.
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) ký MOU với Trường Đại học Hạ Long về hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành logistics.
Với việc tổ chức thành công Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics, chúng ta kỳ vọng sẽ được chứng kiến những làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở cả trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics, góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong tương lai.