Công tác kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc” đạt hiệu quả cao
Ông Phạm Văn Huy - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng chủ trì cuộc họp các cơ quan chức năng về xử lý "xe dù, bến cóc" |
- PV: Thực hiện Công văn số 903/VP-GT ngày 17/2/2023 của UBND thành phố Hải Phòng về tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn thành phố, thời gian qua được Sở GTVT triển khai như thế nào, thưa ông?
- Ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng: Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đã ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo về xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” tại địa bàn thành phố.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn nghiêm túc thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nghiêm cấm các hành vi bỏ bến, không thực hiện phương án đã được phê duyệt, chạy sai hành trình chạy xe, dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định…
Các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra và ký xác nhận vào lệnh vận chuyển cho các phương tiện đủ điều kiện theo đúng quy định; thực hiện đúng quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, Sở GTVT đã đề nghị các bến xe khách rà soát, tổng hợp các nốt giờ xuất bến không hoạt động trong 60 ngày liên tục, báo cáo về Sở để xử lý vi phạm.
Sở GTVT đã đề nghị Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.
Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, Hiệp hội vận tải Hải Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Chúng tôi đã giao lực lượng Thanh tra Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, phối hợp với các lực lượng chức năng và cơ quan, đơn vị liên quan xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trung chuyển, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn; tuần tra, kiểm tra các văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát, các điểm đại lý hoạt động chuyển phát nhanh trá hình vận chuyển hàng hóa với vận chuyển hành khách, các điểm đón trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố, kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở giao Phòng Quản lý vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát hoạt động của các bến xe khách; quản lý biểu đồ chạy xe theo quy định, xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và An toàn giao thông chủ trì, phối hợp các các cơ quan, đơn vị xem xét bổ sung, lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ xe; rà soát việc tổ chức giao thông, tổ chức phân luồng vận tải hành khách đảm bảo có điểm dừng, đón trả khách theo quy định.
- Kết quả công tác kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc” đến nay như thế nào thưa ông?
- Chúng tôi đã kiểm tra gần 500 lượt phương tiện. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, chúng tôi còn phối hợp với ban quản lý các bến xe: Thượng Lý và Vĩnh Niệm kiểm tra điều kiện xuất bến, trên các tuyến đường theo hành trình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, các trường hợp rà rê đón, trả khách không đúng quy định, đi không đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình… và các hành vi vi phạm khác
Rất nhiều xe Limosine hợp đồng đang khai thác kinh doanh vận tải hành khách tại thành phố Hải Phòng |
Bên cạnh đó, Sở giao các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ ở các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Đối với các bến xe và các văn phòng đại diện, hầu như không có hiện tượng xe khách rà rê; xe hợp đồng vào đón khách. Văn phòng đại diện của các nhà xe: Anh Huy Đất Cảng, Kết Đoàn, Anh Huy tại khu vực cổng bến xe Thượng Lý đã cam kết thực hiện yêu cầu các xe trung chuyển không được dừng đỗ trước cửa văn phòng chuyển phát, khách trung chuyển bằng xe Limousine về bến xe phải được đưa vào trong bến. Khu vực bãi đỗ xe cách bến xe Thượng Lý 70m không có hiện tượng đón trả khách, nhận trả hàng tại bãi đỗ xe.
Từ ngày 24/11/2022 đến 13/10/2023, lực lượng Thanh tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 53 trường hợp xe khách với số tiền xử phạt 49.500.000 đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở GTVT Hải Phòng đã ban hành 3 quyết định đình chỉ khai thác tuyến. Cụ thể: Quyết định số 59/QĐ-SGTVT ngày 11/1/2023 đình chỉ khai thác tuyến do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến vận tải khách cố định trong thời gian 60 ngày liên tục đối với 25 tuyến, thu hồi phù hiệu 56 xe của 19 đơn vị.
Quyết định số 482/QĐ-SGTVT ngày 15/5/2023 đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu xe của 6 đơn vị trên 13 tuyến do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến vận tải khách theo tuyến cố định trong thời gian 60 ngày liên tục.
Quyết định số 600/QĐ-SGTVT ngày 5/6/2023 đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu xe của 4 đơn vị trên 5 tuyến.
Đến nay, hiện tượng “xe dù, bến cóc” đã cơ bản được xử lý, trật tự an toàn giao thông toàn thành phố, đặc biệt là khu vực các bến xe, bến tàu đã đi vào nề nếp.
- Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” trong năm qua, thưa ông?
- Hiện nay xe đưa đón khách tại nhà đang là xu hướng phát triển bởi tính tiện dụng, giá cả hợp lý được nhiều người dân lựa chọn.
Trong khi đó, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 chưa quy định cụ thể thời gian thu hồi phù hiệu của các phương tiện vi phạm dẫn đến giảm tính răn đe trong công tác xử lý vi phạm, gây khó khăn cho các Sở GTVT trong công tác quản lý.
Trên hệ thống quản lý giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa có tính năng kiểm soát thời gian hoạt động của phương tiện để làm căn cứ xác định không cấp phù hiệu, biển hiệu đối với phương tiện không đủ 70% thời gian hoạt động trên địa bàn trong một tháng đối với loại hình xe taxi, hợp đồng, du lịch; chưa có tính năng xác định các xe có quá 30% số chuyến trong tháng có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe hợp đồng, chạy trá hình tuyến cố định.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Vĩnh Niệm cho rằng, xung quanh bến xe Vĩnh Niệm và Thượng Lý là khu vực "nóng" thường xuyên diễn ra tình trạng "xe dù, bến cóc" |
Hiện nay Bộ GTVT chưa có phần mềm tiếp nhận các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 5, Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát đối với các phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch.
Theo quy định tại điểm 1 Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/2/2014 của Bộ GTVT, trong quá trình thanh tra, kiểm tra trên đường, thanh tra viên, công chức thanh tra chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Vì vậy, việc dừng các phương tiện vận chuyển hành khách có phù hiệu xe hợp đồng đang lưu thông rất khó khăn. Đặc biệt, các phương tiện trên luôn có phụ xe đi cùng quan sát quá trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng nhằm thông tin cho phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Các phương tiện trên sẵn sàng di chuyển tốc độ cao, lạng lách, không chấp hành hiệu lệnh của người thực hiện nhiệm vụ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông
Đối với phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng ở các tỉnh khác, việc kiểm tra đơn vị kinh doanh vận tải có thông báo hợp đồng vận chuyển hành khách về Sở GTVT chủ quản hay không là điều khó thực thi đối với lực lượng chức năng.
- Để xử lý dứt điểm, không còn hiện tượng “xe dù, bến cóc” tái lập lại trong những năm tới, theo ông các cơ quan chức thành phố cần phải làm gì?
- Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng; có công cụ và chế tài mạnh để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam khôi phục hệ thống theo dõi giám sát camera lắp trên phương tiện (đã ngừng hoạt động từ ngày 24/12/2022); đồng thời nâng cấp tính năng của hệ thống giám sát hành trình để có thể kiểm soát được thời gian hoạt động của phương tiện, làm căn cứ xác định không cấp phù hiệu, biển hiệu và xử lý vi phạm theo quy định.
Bộ GTVT sớm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý vận tải để làm cơ sở các Sở GTVT, lực lượng chức năng truy cập, xử lý phương tiện vi phạm (theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP); nghiên cứu, quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động đối với các văn phòng của các doanh nghiệp vận tải "trá hình chuyển phát nhanh hoặc mục đích khác liên quan đến hoạt động của các doang nghiệp" nhằm hạn chế “bến cóc”.
Sở GTVT đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, UBND các quận, huyện phối hợp chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về kinh doanh vận tải. Trong đó, đặc biệt lưu ý các phương tiện xe khách dưới 16 chỗ (xe limosine). Đồng thời, Sở thông tin và Truyền thông, Ban An toàn giao thông thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân được biết các quy định về vận tải hành khách, vào bến xe đi xe để đảm bảo quyền lợi.
Các bến xe khách tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe, có chính sách giảm giá dịch vụ xe ra vào bến xe và các dịch vụ khác tại bến xe để khuyến khích, động viên đơn vị vận tải đưa xe vào bến xe hoạt động.
Các đơn vị vận tải nghiêm túc chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Sở GTVT đề nghị Công an thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 8/4/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, người dân cần vào bến để đi xe khách. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các phương tiện vi phạm theo quy định, vừa góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên địa bàn thành phố.
- Trân trọng cảm ơn ông!