Để trẻ nghỉ hè bổ ích và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19...
Trại hè STEM online - giải pháp giáo dục 4.0 phòng dịch trong kỳ nghỉ hè Kỳ nghỉ hè "đặc biệt" Hà Nội: Học sinh THPT, trường nghề nghỉ hết 15/3 |
Cắm cúi vào thiết bị thông minh
Cứ sáng sớm ra, cả nhà chị Trần Diệu Nhi ở quận Hà Đông lại náo nhiệt hẳn lên với vũ điệu tập thể dục. Ba mẹ con chị Nhi cứ tưng bừng nhảy theo video được huấn luyện viên quay lại. Sau đó việc ai người đó làm. Cô con gái lớn thì dọn dẹp, quét nhà cửa, cô gái nhỏ giúp mẹ tưới cây, phơi quần áo, còn chị Nhi vào bếp làm bữa ăn sáng cho cả nhà… Một ngày của 2 cô con gái nhỏ nhà chị bắt đầu như thế từ khi được nghỉ hè. Ấy thế mà sau khi ăn sáng xong, làm hết việc nhà mà mẹ giao, đứa bé thì bật TV, vào mạng xem chương trình mình yêu thích, còn đứa lớn lại dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh…
Học sinh trường THCS Phan Chu Trinh quận Ba Đình giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà trong dịp nghỉ hè |
Ở độ tuổi rất muốn giao lưu, kết bạn rộng rãi nhưng Nguyễn Khánh Toàn, học sinh lớp 10 trường THPT Trần Nhân Tông cũng chỉ ở trong nhà từ khi nghỉ hè, nơi đi xa nhất của cậu chính là cửa hàng tạp hóa gần nhà. Một ngày của Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu từ gần trưa, sau khi ngủ dậy, xuống bếp ăn tạm cái gì lót dạ rồi lại bật máy tính để cày game.
Toàn cho biết: “Những việc bố mẹ giao, em chỉ làm hơn 1 tiếng đồng hồ là xong, thời gian còn lại nếu không chơi game thì cũng chẳng biết làm gì cho hết thời gian”.
Trước tình hình học sinh nghỉ hè nhưng thiếu sân chơi nên có xu hướng “nghiện” điện thoại, máy tính, nhiều cha mẹ tỏ ra lo lắng. Anh Nguyễn Văn Sao ở quận Long Biên cho biết: “Tầm tuổi lớp 8 trở lên rất khó điều chỉnh lịch sinh hoạt của chúng, nhất là khi cả kỳ nghỉ hè chỉ quanh quẩn trong nhà, không được giao lưu. Con tôi đang học lớp 8, khi được giao việc nhà hay bài tập, cháu đều dành thời gian làm trong vòng 2 tiếng đồng hồ, xong việc lại ngồi vào máy tính. Tôi thấy hơi lo ngại, nếu cứ tiếp tục thế này cháu sẽ nghiện game, sa đà vào mạng xã hội hoặc những trang web đen thì rất nguy hiểm. Tôi đang đau đầu suy nghĩ làm gì để giúp con có thời gian nghỉ hè bổ ích trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”.
Phụ huynh khuyến khích các con làm việc nhà (Ảnh: trường THCS Phan Chu Trinh) |
Thông thường, vào mỗi dịp nghỉ hè, để con có được ký nghỉ bổ ích, phụ huynh ở thành phố thường tìm các lớp rèn luyện kỹ năng sống để đăng ký cho con tham gia. Tuy nhiên, mùa hè năm nay để có kỳ nghỉ hè lý thú và an toàn cho con lại là điều rất khó.
Giao việc và khen thưởng khi trẻ hoàn thành
Nghỉ hè nhưng lại phải hạn chế ra ngoài do dịch bệnh, bài toán khó nhất dành cho các bậc phụ huynh là làm sao để con không cảm thấy chán khi ở nhà quá nhiều, bên cạnh đó vẫn phải giúp trẻ duy trì được những thói quen tốt, không chìm đắm vào không gian mạng, các thiết bị công nghệ như ipad, máy tính, tivi.
Chị Vũ Thị Hoa ở huyện Gia Lâm chia sẻ: “Nghỉ hè giữa dịch Covid-19 đúng là điều rất thiệt thòi cho các con nhưng mình phải chấp nhận sống chung với dịch. Vì thế, ngay từ khi được thông báo nghỉ hè, tôi đã lên kế hoạch, thời gian biểu cho các con. Một ngày của hai con bắt đầu từ 7h sáng. Sau khi được mẹ đánh thức, bọn trẻ sẽ chia nhau để làm việc dọn dẹp nhà cửa, rửa ấm chén, tưới cây… sau đó là ăn sáng.
Trong buổi sáng các con được xem ti vi 1 tiếng rồi tiếp tục giặt đồ, dọn dẹp tủ quần áo, giá sách, bếp… giúp mẹ chuẩn bị cơm trưa. Mỗi ngày tôi nghĩ ra một việc để các con làm. Buổi trưa các con nghỉ ngơi đến 2 giờ chiều, tập trung 2 tiếng ôn tập bài vở. Bọn trẻ thích học đàn nên tôi cũng đã đăng ký khoá học đàn online 1 tiếng vào buổi tối, sau đó cả nhà ngồi nói chuyện, trao đổi rồi đến giờ đi ngủ. Tôi nghĩ có thời gian biểu cụ thể sẽ dễ dàng quản lý con hơn”.
Nhiều gia đình đăng ký một số lớp học kỹ năng sống online cho trẻ |
Nhiều cha mẹ không cấm hẳn con sử dụng điện thoại, máy tính để vào mạng xã hội hoặc chơi game. Khi con hoàn thành các công việc được giao, họ sẽ thưởng bằng cách cho dùng những thiết bị này trong một khoảng thời gian nhất định.
PGS. TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, trường Đại học Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên, bố mẹ cần giúp con xác định trong thời gian nghỉ học thì làm gì. Bố mẹ nên cùng con thảo luận, xây dựng một lịch sinh hoạt mới, cân bằng và phù hợp. Lịch trình này vừa có các hoạt động mang tính tư duy, vận động thể chất, kết nối xã hội hoặc những việc thể hiện trách nhiệm của bản thân trong gia đình như làm việc nhà…
Bố mẹ có thể ra nhiệm vụ, yêu cầu để con làm việc nhà, chăm sóc cây cối, buổi sáng tập thể dục, vận động theo các bài tập trên YouTube, hướng dẫn con làm những món đồ chơi đơn giản...
Đặc biệt, sau mỗi ngày làm việc, bố mẹ cần dành thời gian buổi tối chơi, nói chuyện với con để biết một ngày ở nhà của con diễn ra thế nào. Sau đó, bố mẹ dành những lời khen ngợi, phần thưởng để khích lệ khi con hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Nghỉ hè trong thời điểm dịch Covid-19, dù khó khăn nhưng đây không chỉ là dịp để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự học, tự lập mà còn giúp cha mẹ gần con hơn. Việc duy trì học tập nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi hợp lý sẽ giúp học sinh không cảm thấy nhàm chán khi ở nhà và không quá khó khăn, vất vả đi học trở lại sau mùa dịch.