Doanh nghiệp khốn càng thêm khó nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Doanh nghiệp đồ uống đã khốn lại càng khó
Cuối tháng 2/2023, Bộ Tài chính công bố dự thảo tờ trình Chính phủ lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi tới các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; các hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh.
Nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và tiếp tục điều chỉnh tăng loại thuế suất này đối với rượu, bia.
Nhận định về đề xuất của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) bày tỏ sự quan ngại về đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Việt, hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Cho đến nay, thực tiễn tại các quốc gia áp dụng chính sách thuế tương tự cũng chưa cho thấy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) |
Tại một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Mexico tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng, sau khi các quốc gia này áp thuế đối với đồ uống có đường. Các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt.
Bên cạnh đó, chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế.
"Chúng tôi rất mong Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng đề xuất này dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính công bằng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp", Chủ tịch VBA nêu quan điểm.
Lãnh đạo VBA cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia. Ông Việt cho rằng, năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch COVID-19 cần phải khắc phục nhiều năm. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược và xung đột Nga - Ukraina còn diễn biến phức tạp dẫn đến những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Mặt khác, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao đối với toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ nguyên liệu thô tới các sản phẩm bao bì, đóng gói, bởi các nguyên liệu để sản xuất bia đều phải nhập khẩu từ Châu Âu. Do vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn ổn định các chính sách thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị lùi thời gian thêm việc đánh thuế từ 1-1,5 năm.
Đồng thời, lãnh đạo VBA cũng hy vọng nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách, phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, vì sự phát triển bền vững...
"Ngành rượu bia, nước giải khát rất lo lắng với đề xuất của Bộ Tài chính. Việc tăng thuế sẽ đẩy giá, tăng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, trong khi đó Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai, gia hạn thêm các gói hỗ trợ. Vì vậy chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp hơn, chứ không để doanh nghiệp đã khốn lại càng khó", ông Việt chia sẻ.
Người lao động lại đứng trước nguy cơ mất việc làm
Việc tăng thuế tiêu thu đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề tài chính là cốt lõi, nếu không gánh được chi phí sẽ dẫn đến cắt giảm nhân sự và lúc đó người lao động lại đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Nếu tăng thuế tiêu thụ tăng biệt thì giá bia cũng sẽ tăng lên, tạo áp lực chi tiêu cho người dân. |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Katsuhiko Usui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho biết, mặt hàng rượu bia, nước giải khát đã phải đối mặt với khó khăn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Thị trường được dự báo dần phục hồi trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, như giá nguyên vật liệu trên toàn thế giới tăng vọt.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu tăng thuế là tăng nguồn thu có khả năng sẽ khó đạt được do tổng nhu cầu thị trường giảm sút khi mức thuế được nâng lên. Chưa kể, nếu thuế tăng người dùng có thể chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, không an toàn và chất lượng thấp hơn. Đồng thời, cũng không loại trừ sự xuất hiện và gia tăng của hàng giả, hàng nhập lậu.
Không những vậy, việc tăng thuế nghĩa là chi phí hoạt động lại tăng lên, chi phí leo cao trong khi sản xuất kinh doanh khó khăn vì kinh tế vĩ mô thì doanh nghiệp lại phải tính đến phương án cắt giảm lao động để cân đối lại tài chính, duy trì hoạt động của công ty.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp lớn ngành bia cũng cho biết, thời gian qua, công ty đã rất nỗ lực để duy trì việc làm cho người lao động, đồng thời hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 nhằm giúp đỡ cho người dân và cả các doanh nghiệp trong cùng chuỗi giá trị như các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống bị ảnh hưởng.
Theo vị này, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn dần phục hồi, các doanh nghiệp lại tiếp tục đối diện với những thách thức khác vì giá thành nguyên vật liệu, giá nhiên liệu tăng cao, lãi suất, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến sự điều chỉnh hay thay đổi về thuế đều rất nhạy cảm đối với doanh nghiệp và tác động đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Vị này cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì phía doanh nghiệp cũng sẽ tính đến phương án tăng giá sản phẩm.
Theo tính toán, hiện nay, với các nhà máy có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, doanh thu 200.000 tỷ đồng/năm, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách Nhà nước (khoảng 3,2% tổng thu ngân sách Nhà nước), ngành đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn; truyền cảm hứng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội; tạo tác động lan tỏa khi thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị: nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh N.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn mà vật giá lại leo thang thì áp lực chi tiêu lại đè nặng lên người tiêu dùng. Nếu các nhà sản xuất đồ uống mà tăng giá bán thì người dân sẽ phải cân đối lại nguồn chi cho phù hợp với túi tiền của mình.
"Nếu giá bán tăng thì đương nhiên chúng ta sẽ phải chi ra nhiều tiền hơn để mua sản phẩm. Như vậy chúng tôi cũng phải tính toán lại chi tiêu, lúc này các cửa hàng sẽ khó bán hàng hơn vì đâu có phải ai cũng kiếm ra tiền để mua hàng. Do đó, tôi cho rằng, chính sách nào cũng phải có sự hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi không mua hàng thì doanh nghiệp lấy đâu lợi nhuận mà doanh nghiệp không có lợi nhuận thì làm gì có tiền nộp ngân sách Nhà nước", anh H chia sẻ.