Động lực phát triển thành phố cảng Hải Phòng
Cụm Cảng container quốc tế Lạch Huyện |
Những con số ấn tượng
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội TP tiếp tục ổn định và phát triển. Tăng trưởng kinh tế TP đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, TP khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Năm 2023, 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND TP giao, đạt tỷ lệ 73,68%; 5/19 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, đạt tỷ lệ 26,32%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP Hải Phòng dự lễ khởi công Khu phi thuế quan Xuân Cầu |
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước thực hiện 102.614,53 tỷ đồng, đạt 98,02% dự toán Trung ương giao, đạt 88,12% dự toán HĐND TP giao. Trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 42.500 tỷ đồng, đạt 135,66% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND TP giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 58.000 tỷ đồng, đạt 82,98% dự toán Trung ương và HĐND TP giao.
Sản lượng hàng qua cảng đạt 170 triệu tấn (kế hoạch 185 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, đạt kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 191.000 tỷ đồng. TP đang thực hiện 74 nhiệm vụ chyển đổi số với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công cơ bản bám sát kế hoạch Trung ương giao.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của TP Hải Phòng xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX đứng thứ 2 với 90,09 điểm.
Chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS đứng thứ 10 với 83,88 điểm. Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp trong nhóm cao nhất gồm 15 tỉnh, TP với 43,603 điểm.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút vốn FDI ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt xa kế hoạch HĐND TP giao (dự kiến thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD).
TP triển khai vận động các tổ chức quốc tế đề cử quần đảo Cát Bà - vịnh Hạ Long và chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thể giới.
Lãnh đạo TP Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn SK Hàn Quốc |
Ngoài ra, Hải Phòng đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân được chú trọng thực hiện tốt.
3 trụ cột phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phải Phòng: “Để đạt được kết quả trên, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP đã tập trung tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Hải Phòng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp hài hòa, tạo thuận lợi và động lực phát triển chung cho toàn bộ nền kinh tế thành phố.
Lễ khởi công dự án Khu nhà ở công nhân viên Công ty TNHH Pegatron Việt Nam tại Khu công nghiệp Đình Vũ |
TP Hải Phòng chú trọng xây dựng hạ tầng công nghiệp với định hướng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0…
Do đó, quyết sách đầu tư cho hạ tầng và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp được Hải Phòng đặc biệt chú trọng.
Hải Phòng triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh với nguồn lực huy động đầu tư gần 4.600 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
TP cảng cũng đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục thành lập 4 khu công nghiệp mới gồm: Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, khu công nghiệp Thủy Nguyên, khu công nghiệp Tràng Duệ và khu công nghiệp Giang Biên 2.
Đồng thời, Hải Phòng cũng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1 - 2), khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền; hoàn thành cơ bản dự án đầu tư xây dựng tuyến đê lấn biển Nam Đình Vũ; triển khai các thủ tục đầu tư khu công nghiệp Vinh Quang (Tiên Lãng), khu công nghiệp An Hòa (Vĩnh Bảo) và khu công nghiệp Tân Trào…
Trong năm 2023, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ logistics cấp quốc gia, xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm triển lãm các doanh nghiệp logistics |
Cùng với đó, Hải Phòng còn tập trung đầu tư hạ tầng hành chính, du lịch và thương mại, như: Dự án Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm với khu trung tâm hành chính có tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đến quý IV/2025, các cơ quan đầu não của Hải Phòng sẽ dịch chuyển và chính thức hoạt động tại đây.
Với kỳ vọng tương lai nơi này sẽ là trung tâm hành chính lớn nhất, đẳng cấp và đắt giá nhất Việt Nam cùng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hàng loạt các công trình trọng điểm… sẽ biến Hải Phòng thành đại đô thị năng động, thịnh vượng”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2024, Hải Phòng chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nêu rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, GRDP tăng khoảng 11,5% - 12% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 9.000 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 15%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 106.760 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 45.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 60.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 210.000 tỷ đồng; sản lượng hàng qua cảng đạt 190 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD.
Thu hút khách du lịch đạt trên 9,1 triệu lượt khách. Hoàn thành xây dựng 35 xã Nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023 chuyển sang; triển khai xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu tại 13 xã của huyện Thủy Nguyên và An Dương. Thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, TP Hải Phòng xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện: Chú trọng mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu (công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logictics; du lịch - thương mại).
Đồng thời, TP tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung hiện đại hóa đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng Nông thôn mới.
Cùng với đó, Hải Phòng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. TP cũng chủ trương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, TP Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, liên kết vùng; củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội..
Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng cũng đã đề xuất 20 dự án trọng điểm năm 2024. Trong đó, 6 dự án dự kiến khánh thành, 12 dự án khởi công mới, 2 dự án đang triển khai và chuyển tiếp từ năm 2023 sang.